Xây dựng Trường Phổ thông DTNT tỉnh: Cần chính sách đặc thù
Sau chặng đường 35 năm, ngôi trường dành con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi đóng tại Hội An - Trường Phổ thông DTNT tỉnh đang cần sự thay đổi, cả về nội dung lẫn hình thức để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Nhu cầu cần thiết
Sự nghiệp GD-ĐT trong đồng bào người DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự phát triển khá nhanh chóng. Chỉ tính riêng giáo dục THPT, các huyện miền núi hiện có đến 13 trường THPT và 3 trường phổ thông DTNT. Điều này khác hẳn với thời điểm cách đây 35 năm khi Trường Phổ thông DTNT tỉnh được thành lập - lúc đó tại các địa phương chưa có hệ thống trường phổ thông DTNT, còn trường THPT mỗi huyện chỉ có 1 trường.
Về mặt chế độ, chính sách, học sinh (HS) học tại các trường phổ thông DTNT huyện hiện nay cũng được hưởng giống như Trường Phổ thông DTNT tỉnh, thậm chí còn được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt hơn nhờ mới được đầu tư. Vì những lẽ đó, sức hút của Trường Phổ thông DTNT tỉnh giờ đây một phần nào đó cũng bị giảm sút so với trước đây.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà học, khu nội trú, Hiệu trưởng nhà trường Lê Đức Sơn chia sẻ, các hạng mục này đã có tuổi đời hơn 30 năm nên đến giai đoạn xuống cấp, hư hỏng. Thời gian qua, trường đã đôi lần tổ chức sửa chữa, nâng cấp song cũng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết, trước mắt cho các hoạt động dạy học, ăn ở chứ không thể che lấp những hình ảnh loang lỗ, ẩm mốc khá khó coi. Sau chừng ấy năm, cơ sở vật chất giờ đây vừa cũ kỹ lạc hậu, vừa xuống cấp. Cũng vì vậy mà trường đạt chuẩn quốc gia năm 2012, theo quy định sau 5 năm phải kiểm tra lại, nhưng đến nay đã 8 năm trôi qua vẫn chưa triển khai để công nhận trở lại.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc có rất nhiều trăn trở về định hướng phát triển Trường Phổ thông DTNT tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư nâng cấp. Từ năm 2015, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục Trường Phổ thông DTNT tỉnh. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân trong đó vướng về mặt kinh phí nên đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
“Trong giai đoạn hiện nay, Trường Phổ thông DTNT tỉnh cần thiết phải được đầu tư để xây dựng thành một trường trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền núi. Những năm qua thi tuyển đầu vào có chất lượng khá tốt, thu hút được nhiều HS khá giỏi nên đây cũng có thể coi là trường chuyên của học trò DTTS” - ông Quốc kiến nghị.
Trường trọng điểm
Tại buổi làm việc mới đây với Trường Phổ thông DTNT tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chỉ đạo Sở GD-ĐT xây dựng đề án tổng thể về phát triển giáo dục miền núi, hoặc nâng cao chất lượng đào tạo các trường phổ thông DTNT; trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng Trường Phổ thông DTNT tỉnh trở thành trường trọng điểm giống như 2 trường THPT chuyên của tỉnh; báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch trình HĐND tỉnh năm 2021.
Có nhiệm vụ giảng dạy, nuôi dưỡng HS, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ DTTS cho các địa phương miền núi, Trường Phổ thông DTNT tỉnh được thành lập từ năm 1985 và tọa lạc tại TP.Hội An. Sau 35 năm, ngôi trường đặc biệt này hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình với việc đào tạo hơn 3.000 HS hoàn thành chương trình lớp 12 và học tiếp lên đại học, cao đẳng. Nhiều người sau khi học xong trở về phục vụ quê hương, có người trở thành cán bộ chủ chốt hiện nay của các huyện miền núi.
Là cựu HS của trường, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh mong muốn tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy về đầu tư, nâng cấp Trường Phổ thông DTNT tỉnh trở thành trường trọng điểm, mũi nhọn dành cho HS người đồng bào DTTS. Theo bà Thanh, hiện nay nhiều HS người DTTS rất giỏi, cần có môi trường giáo dục tốt như trường chuyên của tỉnh để học tập, phát triển khả năng.
Đồng quan điểm, ông A Lăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho rằng đây là ngôi trường đặc thù nên cần có chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng, thu hút người học, tạo nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi.
“Phần lớn cán bộ miền núi hiện nay, kể cả lãnh đạo huyện đều là cựu HS của Trường Phổ thông DTNT tỉnh cho thấy vị trí đặc biệt trong công tác đào tạo của trường. Vì vậy, tôi rất mong đề án phát triển nhà trường sớm được phê duyệt để có điều kiện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cùng với đó là các chế độ, chính sách đối với HS, cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” - ông Mai nói.