Đại học Duy Tân sáng chế máy thở
Sau máy thở DTU-VENT Ver1.0 (máy thở không xâm nhập), nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng (DTU) vừa tiếp tục ra mắt phiên bản DTU-VENT Ver2.0 với đầy đủ chức năng của máy thở y tế hiện đại, đáp ứng các thông số cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thiết thực
Máy thở DTU-VENT Ver2.0 tích hợp cả hai chức năng “thở không xâm nhập” và “thở xâm nhập”. Nếu như ở phiên bản Ver1.0, DTU-VENT là dòng máy thở không xâm nhập thì với phiên bản Ver2.0, sản phẩm đã được thiết kế như là một máy thở xâm nhập nhằm chữa trị cho các bệnh nhân nặng, phải thở qua ống nội khí quản.
Độc đáo là máy thở DTU-VENT Ver2.0 vừa có thể hoạt động như là một máy thở xâm nhập thực hiện kiểm soát toàn bộ hoạt động hô hấp của bệnh nhân, vừa là máy thở không xâm nhập với vai trò cung cấp dòng khí ô xy đến phổi ở một tần suất cố định, thông qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi - miệng, đáp ứng nhanh lượng khí lớn nhằm kích thích hoạt động thở của người bệnh.
Sản phẩm mới vẫn giữ nguyên các thông số với các điểm mạnh ban đầu như: sử dụng bơm piston với độ ổn định và chính xác cao của dòng khí; thiết kế theo các yêu cầu thông số đáp ứng những khuyến cáo của AMMI-Covid-19; điều chỉnh thể tích bơm với độ chính xác cao; tiết kiệm năng lượng so với các thiết kế máy thở khác trên thị trường qua thiết kế piston; tối ưu hóa linh kiện và tự chủ trong khâu chế tạo.
Đáng kể, máy thở DTU-VENT Ver2.0 tiếp tục nâng cấp với nhiều tính năng mới mà Ver1.0 chưa có như: nâng dung tích tối đa gần gấp đôi là 750ml (Ver1.0 là 450 ml); nâng tốc độ dòng tối đa lên gấp bốn là 120 l/min (Ver1.0 là 30 l/min); duy trì áp suất dương (PEEP) trong dải từ 0 - 20cm H2O đảm bảo cho phổi không bị co quá mức.
Máy có thể điều chỉnh được phần trăm ô xy từ 21 - 100% để cung cấp đủ hàm lượng ô xy cho các trường hợp bệnh nhân khác nhau. Hay giảm tần suất tiếng ồn khi bơm khí, độ ồn của máy thở nhỏ hơn 35db; tạo ẩm và ổn định nhiệt độ khí khi đi vào cơ thể.
Thiết lập các cảnh báo đảm bảo an toàn tối đa giữa máy thở với các phần mềm điều khiển và giám sát, liên quan đến các vấn đề hay sự cố như: áp suất cao, áp suất thấp, dung tích khí không đủ, lỗi nguồn điện…
Chủ động về công nghệ
Điểm đặc biệt đối với DTU-VENT Ver2.0 là có điều khiển/hiển thị cảm ứng và có thể giám sát từ xa với đầy đủ các chức năng thông qua phần mềm trên máy thở do nhóm nghiên cứu sáng chế. Các tiện ích mới này cho phép bác sĩ, y tá tránh tiếp xúc với bệnh nhân, đồng thời có thể giám sát được tình trạng của bệnh nhân một cách liên tục.
Máy thở DTU-VENT Ver2.0 có 10 chế độ được cài đặt sẵn thông qua ước lượng chiều cao của bệnh nhân, giúp cho nhân viên y tế tiết kiệm thời gian và dễ dàng vận hành máy. Máy có thể chạy được ở nhiều chế độ khác nhau như kiểm soát áp suất, kiểm soát thể tích và cung cấp hỗ trợ hô hấp cần thiết và tức thì theo các chỉ số sống còn của bệnh nhân.
Đáng quý, đội ngũ nghiên cứu nhận thức rõ nhu cầu “di động” của máy thở trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp ngoài thực địa, hoặc trong bệnh viện lúc bị ngắt điện nên đã thiết kế máy thở nhỏ gọn, có thể sử dụng pin dự phòng đảm bảo hoạt động trong 3 giờ liên tục.
TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng DTU chia sẻ, hiện nay nhà trường có thế mạnh trong đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Điện tử, Công nghệ thông tin, Khoa học sức khỏe… Mục tiêu của DTU là đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm. Máy thở DTU VENT Ver2.0 là một trong số rất nhiều sản phẩm DTU đã nghiên cứu và chế tạo thành công.
Hay mới đây, sản phẩm eCPR - Ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D xây dựng hệ thống huấn luyện hồi sức tim phổi vì cộng đồng của DTU cũng giành được danh hiệu Sao Khuê năm 2020.
Sự chủ động về công nghệ cho phép sản phẩm máy thở DTU-VENT Ver2.0 “made in Vietnam” này thật sự là điểm sáng trong lựa chọn thiết kế, độc lập và linh hoạt về phần mềm và tích hợp, đáp ứng được các yêu cầu sản xuất hàng loạt trong trường hợp có các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Và cũng chính sự chủ động này cho phép sản phẩm máy thở tích hợp “2 trong 1” có một mức chi phí sản xuất hợp lý, dưới 50 triệu đồng.
“Việc thiết kế và đưa máy thở DTU-VENT Ver2.0 vào sử dụng sẽ là hoạt động có ý nghĩa và thiết thực để ĐH Duy Tân góp phần cùng các tỉnh, thành phố miền Trung và cả nước phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” - TS. Lê Nguyên Bảo chia sẻ.