Bộ GD-ĐT báo cáo phương án thi THPT: Chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp

XUÂN PHÚ 23/04/2020 12:35

Bộ GD-ĐT vừa báo cáo Chính phủ phương án thi THPT năm 2020 trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, đây là phương án thi nhưng chỉ lấy kết quả tốt nghiệp THPT chứ không còn mục tiêu “2 trong 1” như những năm vừa qua.

Thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: X.PHÚ
Thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: X.PHÚ

Thi lấy kết quả tốt nghiệp

Sau nhiều băn khoăn có nên tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 hay không khi mà học sinh (HS) nghỉ học quá dài ngày do dịch bệnh, ngày 21.4, Bộ GD-ĐT báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phương án vẫn tiếp tục thi THPT. Tuy nhiên, thay vì đây là kỳ thi quốc gia, vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh đại học như mấy năm gần đây, kỳ thi này chỉ dùng để công nhận tốt nghiệp THPT giống từ năm 2014 trở về trước.

Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được tổ chức tương tự như thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT ra đề thi thống nhất cả nước, nội dung đảm bảo “học gì thi nấy”, không ra trong phần giảm tải học kỳ II vừa qua. HS dự thi 3 môn bắt buộc, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Các tỉnh, thành phố vẫn chủ trì tổ chức kỳ thi, gồm sao in đề thi, coi thi, chấm thi. Riêng về tuyển sinh đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT trình Thủ tướng Chính phủ để sớm công bố cho HS được biết để chuẩn bị cho kỳ thi.

Ý kiến trái chiều

Theo tìm hiểu của PV Báo Quảng Nam, có nhiều ý kiến trái chiều về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Số không ủng hộ cho rằng, HS nghỉ học dài ngày, thời gian qua học trực tuyến đã mệt rồi, sắp tới lại phải đối mặt với 2 kỳ thi riêng sẽ càng thêm vất vả. Thầy Phạm Hữu Thức - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước) chia sẻ, học trực tuyến không mấy hiệu quả, ở thành phố chứ còn vùng nông thôn, miền núi có mấy học trò được học đâu. Đặc thù của năm học 2019 - 2020 là vậy nên cũng phải có phương án đặc cách cho riêng năm nay. “Theo tôi nên xét tuyển tốt nghiệp THPT chứ không cần phải tổ chức thi. Còn tuyển sinh đại học vẫn thực hiện như các năm vừa qua, các trường có thể xét học bạ, có thể tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra, đánh giá năng lực” - thầy Thức đề xuất.

Trong khi đó, một số ý kiến đồng quan điểm với Bộ GD-ĐT thì cho rằng, nên tách riêng 2 kỳ thi vì mục tiêu của mỗi kỳ thi khác nhau. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) - thầy Huỳnh Ngọc Phúc ủng hộ phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra và theo lý giải, lâu nay Bộ GD-ĐT đi làm công tác tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học nên lần này giao lại quyền tự chủ cho các trường đại học. Còn thi tốt nghiệp THPT phải tổ chức kỳ thi riêng.

Ông Phạm Đình Ly - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT) cho biết, việc Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi, tách 2 kỳ thi ra riêng là điều hoàn toàn hợp lý và bản thân trước đây không ủng hộ kỳ thi 3 chung. Khi được hỏi đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nên lấy kết quả đó để tuyển sinh đại học như các năm vừa qua nhằm giảm bớt áp lực thi cử cho HS, ông Ly nói luật quy định thi tốt nghiệp THPT còn trường đại học phải có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Yêu cầu của đề thi tốt nghiệp cũng khác thi tuyển sinh. Kỳ thi “2 trong 1” trước đây các trường đại học khó tuyển sinh đạt chất lượng do đề thi không phân hóa được HS khá giỏi. Hơn nữa, thời gian qua có nhiều trường đại học đã có phương án tuyển sinh riêng bên cạnh thi THPT quốc gia nên điều này không ảnh hưởng hay gây khó khăn gì trong công tác tuyển sinh đại học năm nay.

XUÂN PHÚ