Dạy và học thời Covid
Trong khi các địa phương, trường học đẩy mạnh việc dạy và học qua truyền hình, internet thì Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu giảm tải nội dung, chương trình cho phù hợp với hoàn cảnh nghỉ học dài ngày do dịch Covid 19.
Dạy học qua truyền hình, internet
Chưa bao giờ, dạy học qua truyền hình lại trở nên phổ biến như hiện nay. Tuy nhiên, không nhiều địa phương, đơn vị trường học triển khai phương pháp dạy học phi truyền thống này.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có hơn 10 tỉnh, thành phố dạy học qua truyền hình. Trong đó, Hà Nội là địa phương tiên phong và tổ chức dạy cho nhiều khối lớp. Quảng Nam từ ngày 16.3 bắt đầu dạy học trên Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam nhưng chỉ giới hạn cho học sinh (HS) lớp 12 (với 9 môn gồm Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh).
Chương trình phát sóng ngày 2 buổi, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Việc dạy học trên truyền hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều HS, phụ huynh và ngành GD-ĐT.
Dạy học qua internet bằng việc sử dụng các phần mềm dạy và học trực tuyến để giảng dạy, củng cố kiến thức cho HS trong thời gian này cũng được các trường triển khai.
Một số đơn vị còn chỉ đạo giáo viên bộ môn hướng dẫn, giao bài tập cho HS qua Email, Zalo, Facebook để các em tự học, làm bài rồi gửi lại cho thầy cô nhận xét, đánh giá…
Rõ ràng việc dạy và học trong thời gian nghỉ học dài ngày để phòng chống Covid 19, với các hình thức này, dù chỉ là giải pháp “chữa cháy” song hiệu quả khá tốt, giúp HS có điều kiện học tập, ôn lại kiến thức cũ, tạo thói quen học và làm bài hàng ngày. Đặc biệt, giảm bớt lo âu cho HS cuối cấp chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để hỗ trợ HS học tập trong khi phải ở nhà vì dịch Covid-19, thời gian qua, ngành đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường trên cơ sở rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với HS để giao nhiệm vụ và hướng dẫn các em tự học ở nhà. Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp tổ chức dạy học trên truyền hình nhằm giúp HS trên địa bàn cả tỉnh, kể cả ở miền núi, vùng khó khăn, đều có điều kiện thuận lợi để học tập. Tuy nhiên, do điều kiện hạn chế nên chỉ dừng lại ở khối lớp 12.
Giảm tải nội dung, chương trình
Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đã cam kết đồng hành, hỗ trợ ngành GD-ĐT trong phòng chống dịch Covid-19 như đưa một số bài giảng của Bộ GD-ĐT lên truyền hình, miễn phí toàn bộ dữ liệu cho HS và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa, miễn phí hệ sinh thái đào tạo và quản lý giáo dục cho 43.000 trường học…
HS trên cả nước nghỉ học đã gần 2 tháng và nhiều khả năng sẽ còn kéo dài thêm. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc điều chỉnh chương trình, hướng dẫn dạy học trên internet, truyền hình cho phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh. Đồng thời để bảo đảm chương trình trước việc nghỉ học quá dài ngày, bộ cũng đã 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và HS chưa biết khi nào học lại, cuối tuần qua Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp trực tuyến với Sở GD-ĐT các địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết đang đẩy nhanh tiến độ rà soát nội dung, chương trình các môn học kỳ 2 để tinh giản, rút ngắn thời gian trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, mục tiêu là giảm được 5 - 7 tuần so với chương trình hiện nay để kết thúc năm học vào ngày 15.7 như kế hoạch.
Liên quan đến câu chuyện dạy học qua internet, trên truyền hình còn nhiều bất cập, “mỗi nơi mỗi kiểu” như hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn với các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, học liệu, tổ chức hoạt động… nhằm thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà giáo, dạy trên truyền hình bị hạn chế do thời lượng không nhiều, gần như không thể triển khai đại trà.
Còn dạy trên internet HS tiểu học khó tiếp cận và không thể tự học; chưa kể vùng sâu, vùng xa, các gia đình nghèo không có điều kiện để học. Có thể thấy những giải pháp này cũng chỉ là tình thế, phù hợp với một số đối tượng ở thời điểm nhất định. Cái chính vẫn là dạy học trên lớp và chờ Bộ GD-ĐT hướng dẫn giảm tải nội dung, chương trình phù hợp với tình hình.