Học trực tuyến thời dịch bệnh

CHÂU NỮ 19/03/2020 11:04

Từ cuối tháng 2.2020 đến nay, Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) tổ chức dạy học trực tuyến nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức trong thời gian phải nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19.

Triển khai hệ thống học trực tuyến VNPT- Elearning cho cán bộ, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ). Ảnh: T.A.H
Triển khai hệ thống học trực tuyến VNPT- Elearning cho cán bộ, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ). Ảnh: T.A.H

Trường THCS Lý Tự Trọng tổ chức dạy học trực tuyến thông qua phần mềm VNPT-Elearning (http://thcsltttky.lms.vnedu.vn). Nhờ phần mềm này, giáo viên bộ môn có thể kết nối với học sinh của mình để thực hiện việc giảng dạy, điểm danh, giao bài tập, quản lý kết quả học tập hằng ngày của từng em.

Ông Lê Minh Hùng - công tác tại VNPT, thành viên hỗ trợ về kỹ thuật dạy học trực tuyến cho Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, với phần mềm VNPT-Elearning, giáo viên có thể tạo một khóa học trực tuyến với đầy đủ nội dung, có thể up bài giảng, video...; học sinh chỉ cần đăng ký là có thể học và thi trên phần mềm.

Cán bộ quản lý và nhất là giáo viên đứng lớp của Trường THCS Lý Tự Trọng đã được các thành viên hỗ trợ kỹ thuật của VNPT tập huấn việc quản lý, sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến VNPT-Elearning. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, thực hành đã phát sinh một số vướng mắc nhất định nên kỹ thuật viên của VNPT tiếp tục đồng hành và hỗ trợ để khóa học trực tuyến đem lại hiệu quả cao nhất.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, nhà trường yêu cầu giáo viên bộ môn tương tác, giao nhiệm vụ cho học sinh, tập trung chủ yếu vào việc rà soát, tổ chức ôn tập kiến thức cơ bản, trọng tâm, xây dựng thành các chuyên đề nhỏ, hệ thống bài tập phân bố đều cho 4 đối tượng học sinh: giỏi, khá, trung bình, yếu - kém. Thời gian giao nhiệm vụ cho học sinh trong vòng 24 giờ cho mỗi bài học để học sinh có thể chủ động chọn thời gian học ở nhà phù hợp.

Để tham gia học trực tuyến, mỗi giáo viên và mỗi học sinh Trường THCS Lý Tự trọng đều có một tài khoản để đăng nhập. Thầy cô tạo bài giảng và đưa bài giảng lên, sau đó gắn thẻ học sinh lớp mình dạy để các học sinh vào học và cũng quy định cụ thể thời gian học.

Cô Ngô Thị Mỹ Thủy - giáo viên bộ môn Toán nhận xét, ưu điểm của phần mềm là giáo viên có thể kiểm tra số lượng học sinh theo học theo thời gian quy định. Tùy theo đặc thù bộ môn mà giáo viên có cách soạn bài khác nhau. Với môn Toán, cô Thủy chủ yếu cho học sinh ôn tập và giải bài tập.

Còn cô Lê Trình Yến Linh - giáo viên bộ môn tiếng Anh thì cho biết phụ huynh của trường rất quan tâm đến việc dạy học trực tuyến, tuy nhiên, không phải phụ huynh và học sinh nào cũng có đủ điều kiện theo dõi và tham gia, nên giáo viên chủ yếu ôn lại các bài học cũ, củng cố kiến thức cho các em khỏi quên trong thời gian nghỉ học.

Ban Giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, đến nay đã có gần 80% học sinh của trường tiếp cận phần mềm; một số gia đình không đủ điều kiện nên con em họ không thể theo học. Về lâu dài, việc dạy học qua truyền hình sẽ thuận tiện hơn đối với học sinh không có điều kiện. Ngoài ra, nhà trường tổ chức ôn tập qua mạng xã hội Zalo đối với học sinh giỏi theo từng nhóm đội tuyển.

CHÂU NỮ