Tiếp tục câu chuyện "dạy văn - dạy người"

NGUYỄN TẤN ÁI 09/02/2020 06:59

Cuối năm 2019, Sở GD-ĐT Quảng Nam mở hội thảo “dạy văn - dạy người”, tham dự là đại diện các tổ chuyên môn các trường phổ thông. Hội thảo tiếp tục là đề tài tâm huyết để các giáo viên thảo luận. Vì vậy, đầu năm 2020, Sở GD-ĐT Quảng Nam tiếp tục triển khai hội thảo đến từng cụm trường.

Tại sao vấn đề này cứ luôn luôn nóng?

Tôi nghĩ khi trao đổi chúng ta nên xuất phát từ các đặc trưng tạo thành quan hệ: chủ thể - công cụ - đối tượng.

Trước hết là đối tượng: con người. Việc xác định đối tượng là vô cùng quan trọng, nó tác động đến thái độ, động cơ dạy học. Con người, dù nói như Cơ đốc giáo, là sáng tạo tối cao của Thượng đế, hay nói như triết học, là cây sậy, nhưng là cây sậy có tư tưởng (Pascan) thì cũng gặp nhau ở một ý tưởng: con người luôn tự do và chỉ đáng tôn trọng khi họ biết quý trọng sự tự do tư tưởng, tư duy của mình. Đối tượng của khoa học tự nhiên là các cỗ máy, nhiệm vụ của các cỗ máy là vận hành theo một lập trình có sẵn. Đối tượng của khoa học xã hội là con người, đặc trưng con người là luôn luôn sáng tạo ra các lập trình. Vấn đề then chốt của đối tượng là như vậy.

Tiếp theo là công cụ: văn học - văn chương. Chúng ta thường nói bộ môn văn học, nhưng không ai nói dạy môn văn học cả, mà chỉ nói là dạy văn. Quán tính ngôn ngữ ấy ngầm mặc định rằng trong dạy văn, văn học là chức năng, mà văn chương là đặc trưng. Nghĩa là chú trọng đến cái hay, cái đẹp. Các sách lý luận văn học đều gặp nhau ở một quan điểm: đặc trưng chức năng cơ bản của văn học là tình cảm - thẩm mỹ. Dù là giáo dục, nhận thức hay giải trí thì cũng đều xuất phát từ đặc trưng cái đẹp và bằng con đường tình cảm.

Thứ ba là chủ thể: người dạy. Trong các hội thảo đã bàn thấu đáo về vai trò thầy cô giáo, điểm trọng tâm là cái đẹp và tâm hồn nghệ sĩ của người dạy văn. Thiết nghĩ sự chuẩn mực là tiêu chuẩn trước hết của cái đẹp. Chuẩn mực trong lối sống, trong giao tiếp, trong ứng xử là những điều hết sức cần thiết cho thầy cô giáo nói chung. Thiết lập mối quan hệ cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần là quan trọng. Các Mác phát biểu rằng vật chất quyết định ý thức, chứ không nói rằng vật chất sai khiến ý thức. Nếu để vật chất sai khiến tinh thần đã và sẽ dẫn đến nhiều hỗn loạn xô bồ trong đời sống xã hội, đau lòng là cả trong giáo dục, và ngay cả trong người dạy văn! Song chuẩn mực chưa phải là tất cả cái đẹp, trong nhiều yếu tố tạo nên cái đẹp của người dạy văn, tôi chú trọng đến tâm hồn nghệ sĩ. Người dạy văn không nhất thiết phải là nghệ sĩ thực thụ, song không thể thiếu tâm hồn nghệ sĩ. Nếu tri thức, sự uyên bác là các nguyên tố thì tâm hồn nghệ sĩ là chất xúc tác để văn chương được khai phóng.

Cuối cùng xin được bàn đến mối quan hệ: dạy văn - dạy người. Nhận thức được các yếu tố đối tượng - công cụ - chủ thể, ta có thể nói: dạy văn là mời các học trò đồng hành với ta trong hành trình theo đuổi lý tưởng làm người. Đôi lúc thẹn, cái thẹn cần thiết khi nhận biết ta đang dạy cho học trò những điều ta chưa làm được. Mà đó mới là sự hân hoan của giáo dục: giáo dục là mời gọi con người chinh phục những đỉnh cao của lý tưởng làm người. Đó cũng chính là mơ ước chưa thành hiện thực của người đứng lớp. Xuất phát từ cái đẹp mà con người mơ ước và ký thác vào tác phẩm văn chương và cố gắng hiện thực hóa ở đời thường, ở ngay trong tâm hồn nghệ sĩ của người đứng lớp. Dạy văn là khai phóng cái đẹp tiềm ẩn ở con người, chứ không phải là áp đặt các chuẩn mực cho con người.

Phải vậy chăng mà câu chuyện dạy văn - dạy người lại tiếp tục sôi nổi?

NGUYỄN TẤN ÁI