Mùa xuân Duy Tân - Đổi mới cách dạy và học
“Đại học (ĐH) là mùa xuân của trí tuệ, là ngọn hải đăng cho học tập và học thuật… ĐH Duy Tân đang bước vào mùa xuân mới với tất cả trí lực cho một mùa xuân Duy Tân - Đổi mới cách dạy và học”.
Đó là tự sự “Từ một mái trường” - tập sách mới nhất của Nhà giáo ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân - Đà Nẵng (DTU) về 25 năm gầy dựng nhà trường, do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản quý IV năm 2019.
Thông thường, cột mốc được nhiều người chọn là 10 năm, nhưng DTU khởi nghiệp từ con số 0 thì phải 15 năm sau (1994 - 2009) mới có thể “nhìn lại” được. Ví như, từ năm 2003 nhà trường đã chuẩn bị đào tạo theo học chế độ tín chỉ nhưng năm 2007 Bộ GD-ĐT mới cho phép và đến năm 2010 DTU mới hoàn toàn triển khai được mô hình này. Hay, sớm có chủ trương hợp tác đào tạo quốc tế nhưng phải nhiều năm sau, DTU mới thiết lập mối quan hệ với các tổ chức giáo dục quốc tế tại Anh Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…
Một ngày giữa năm 2008, tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐH Carnegie Mellon (CMU - Mỹ) và Liên hiệp Các trường ĐH và Doanh nghiệp đào tạo CNTT Việt Nam (Liên hiệp SEG VN gồm DTU, ĐH Dân lập Văn Lang, Công ty CP Công nghệ Viễn thông Kỹ thuật số Hà Nội, ĐH Cần Thơ và Trung tâm đào tạo CNTT TP.Hồ Chí Minh) do Hãng Boeng hỗ trợ. Theo đó, CMU chuyển giao bản quyền 2 chương trình đào tạo đại học 4 năm, bao gồm Công nghệ phần mềm và Hệ thống tin học, từ năm học 2008 - 2009, trị giá 2 triệu USD. Đây là cơ hội và trách nhiệm lớn lao đối với liên hiệp, trở thành một mô hình hợp tác tiên phong giữa các trường ĐH và doanh nghiệp Việt Nam với CMU - Mỹ cũng như cung cấp nguồn chất lượng được các nhà tuyển dụng toàn cầu đón nhận.
Những năm gần đây, chương trình du học tại chỗ của DTU với các ĐH Keuka, ĐH Troy - Mỹ, học trực tiếp từ các giáo sư quốc tế, chi phí bằng 1/10 du học tại Mỹ, đã thu hút hàng trăm sinh viên (SV) trong nước và quốc tế theo học. Đến nay, DTU trở thành trường ĐH tư thục đầu tiên đạt chuẩn quốc gia; nằm trong “Top 500 ĐH tốt nhất châu Á năm 2020” theo QS Asian; là trường ĐH thứ 2 của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định ABET - Mỹ; trường thứ 3 trong “Top 8 ĐH hàng đầu Việt Nam năm 2018 - 2019” theo URAP. Dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường (11.11.1994 - 11.11.2019) DTU đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng DTU được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đáng kể, tập sách ghi chép trung thực 25 năm xây dựng và phát triển DTU dày 300 trang, gồm 10 chương và 1 phụ lục, mang tính khái quát cao về khoa học và giáo dục, về nhân dân. Đặc biệt, tập sách này cũng dành cho các bạn trẻ, với mong muốn rằng, thế hệ đi sau sẽ tiếp nhận những trải nghiệm của lớp người đi trước cho hành trang “Sống Làm Người” trong thời 4.0.
Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ sinh năm 1941 tại Điện Thọ, Điện Bàn. Tham gia cách mạng năm 1954, vào Đảng năm 1965. Ông nguyên là lãnh đạo phong trào Thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng khu Trung Trung bộ; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quảng Nam - Đà Nẵng; Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị DTU. Danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2012; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2016. Ông cũng sáng lập “Tủ sách Đáp lời sông núi” của DTU và viết nhiều tác phẩm như: Năm tháng dâng người (2006), Năm tháng tình người (2015), Người của một thời (2017 - đồng tác giả Nguyễn Đông Nhật),...
Như “Con người lìa đời để lại cho con cháu tài sản; còn một thế hệ qua đi thì để lại gì, nếu không là tình yêu đất nước” và “Hơn ai hết, chính các bạn là những người có trách nhiệm phải tái tạo và gìn giữ thế giới này… với di ngôn của Albert Einstein - nhà bác học vĩ đại thế kỷ 20, khi ông để lại bức thư được công bố vào năm 1980, nội dung có đoạn rằng: “…thay vì sử dụng công thức E = mc2, ta phải chấp nhận rằng năng lượng hàn gắn thế giới có thể đạt được bằng tình yêu được sản sinh với tốc độ ánh sáng bình phương”” (Thư gửi các bạn trẻ).
Đặc biệt, “Duy Tân thực hiện mô hình đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm, nghĩa là đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội nhưng được đặt trên nền tảng nhân văn và hiện đại”, và cách dạy mới: “Giáo dục nhân văn cho SV trong thời đại này phải từ những tấm gương người thật, việc thật từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, tất cả vì dân, vì nước, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, tạo niềm tin cho lớp trẻ, lớp SV hôm nay và ngày mai”.
Tập sách của người thầy “U80” bày tỏ những điều rất gan ruột, đầy nhiệt huyết: “Mỗi người chúng ta khi còn sống hãy trồng một cái cây, để mai này còn lại cho đời một bóng mát”; kết luận theo cách nói chắc nịch, rất Quảng Nam: “Việt Nam mà không có giáo dục tốt thì đừng nói đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa”.