Rèn kỹ năng sống cho học sinh
Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn được các trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Tại huyện Nông Sơn, mới đây, dưới sự hướng dẫn của nhân viên khu bảo tồn, học sinh Trường Tiểu học&THCS Nguyễn Văn Trỗi được sắm vai làm “kiểm lâm nhí” đầy thú vị như: thăm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, tìm hiểu về các nhóm động thực vật, tham quan nơi làm việc của Ban kiểm tra liên ngành Đông Trường Sơn, thi vẽ tranh với chủ đề “Chung tay bảo vệ voi”. Em Phan Thảo Trúc (lớp 9/1) thổ lộ: “Được tham gia hoạt động giúp em khám phá nhiều điều mới mẻ, biết bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm cũng như tìm hiểu công việc hằng ngày của các chú nhân viên ở đây”.
Tương tự, học sinh Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ được tham gia khóa tập huấn các vấn đề liên quan đến trẻ em với nhiều nội dung bổ ích, thiết thực. Em Nguyễn Bảo Hy (lớp 5C) tâm sự, tham gia chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên giúp em phần nào hiểu được về giới tính, khả năng tự chăm sóc cho bản thân và gỡ rối được các thắc mắc mà trước đó em không dám bày tỏ cùng ai.
Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, để hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn tảo hôn, bạo lực, cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho phụ huynh, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, giáo viên và học sinh. Đối với các bậc cha mẹ, cần phải nâng cao nhận thức để phối hợp với nhà trường giáo dục, cung cấp sớm cho các em những kiến thức về giới tính, những biện pháp phòng ngừa, dấu hiệu nhận biết và tự bảo vệ mình khi gặp tình huống xấu xảy ra.
Với hơn 98% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chà Val (Nam Giang) luôn chú trọng việc trang bị kỹ năng cho các em như: kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt một cách thông thạo, kỹ năng trình bày, diễn đạt cảm xúc. Thầy Trần Văn Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh tiểu học không chỉ là trách nhiệm của phụ huynh mà còn là nhiệm vụ của thầy cô giáo. Do đó, cần có môi trường giáo dục thích hợp và mang tính định hướng để trẻ biết cách xử lý tình huống sao cho phù hợp.
Nhằm giúp học sinh tìm hiểu về nghề gốm cổ truyền cũng như đời sống sinh hoạt và quá trình sản xuất của người dân trong làng, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.Hội An) tổ chức hoạt động dã ngoại về với làng gốm Thanh Hà. Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, học sinh tự tay làm ra những sản phẩm đơn giản như chén, bát, bình hoa…
Ngoài chương trình chính khóa, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thăng Bình) còn trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng điện an toàn, kỹ năng hợp tác với người khác và tinh thần đồng đội khi làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng phòng vệ. Em Nguyễn Minh Long (lớp 4B) tâm sự, tham gia các hoạt động ngoại khóa, không chỉ giúp em tiến bộ trong học tập, gắn kết tình bạn mà còn nắm vững các kiến thức cơ bản vận dụng vào cuộc sống.