Sức lan tỏa từ một hội thảo

XUÂN PHÚ 25/12/2019 09:58

Hội thảo “Dạy Văn - dạy người, hành trình từ trái tim đến trái tim” do Sở GD-ĐT vừa tổ chức thu hút không chỉ thầy cô giáo đã nghỉ hưu và đang giảng dạy môn Ngữ văn ở các trường THPT, THCS mà còn có nhiều giáo viên (GV) cốt cán các bộ môn Toán, Lý, Hóa… tham gia.

Giờ dạy Văn của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Trâm (Phú Ninh). Ảnh: X.P
Giờ dạy Văn của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Trâm (Phú Ninh). Ảnh: X.P

“Hội nghị Diên Hồng”

Đó là cách nói ví von về hội thảo của nhà giáo Nguyễn Minh Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng và từng là Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Quảng Nam.

Theo thầy Hùng, hội thảo được xem là “Hội nghị Diên Hồng” của giáo viên dạy Văn tỉnh Quảng Nam, bởi dạy Văn - học Văn lâu nay đề cập nhiều nhưng chưa có hội thảo hay tọa đàm nào bàn về vấn đề này. Dạy Văn - dạy người là đúng rồi, song dạy cái gì mới là quan trọng. Dạy Văn là dạy cho học sinh cảm thụ cái đẹp và cuộc sống qua văn chương. Từ cái đẹp đó dạy cho chúng ta làm người, không chỉ sống tốt mà còn sống đẹp giữa cuộc đời này.

“Môn gì cũng dạy người cả chứ đâu riêng môn Văn. Và không chỉ nghề dạy học, ông thầy dạy các nghề khác như nấu ăn, lái xe, võ thuật, đá bóng cũng dạy người, dạy đạo đức làm người cho người học” - thầy Hùng phân tích.

Dạy Văn là dạy cho học sinh cảm thụ cái đẹp và cuộc sống qua văn chương. TRONG ẢNH: Một tiết học Văn của học sinh miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Dạy Văn là dạy cho học sinh cảm thụ cái đẹp và cuộc sống qua văn chương. TRONG ẢNH: Một tiết học Văn của học sinh miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Còn với Nhà giáo ưu tú Trương Văn Quang, hội thảo như là một giấc mơ đối với bản thân và nhiều thầy cô giáo dạy Văn. Đây được coi như thông điệp, không chỉ có học thuật, giảng dạy mà còn mang vấn đề nhân văn. Hành trình dạy Văn - dạy người không mới nhưng rất thời sự, vừa dễ vừa khó thực hiện, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Dạy người qua dạy Văn, dạy các em sự chân thành, sống thật với chính mình. Dạy Văn là đưa môn Văn về với cuộc đời, giúp học trò thích thú, trong lớp học, đâu phải tất cả thích môn Văn mà còn có em thích các môn khác nên mình phải dạy cho các em cùng đam mê. Tất nhiên, dạy Toán hay các môn học khác cũng là dạy người.

“Nhưng người thầy dạy Văn bên cạnh yêu nghề còn phải đam mê văn chương, có kiến thức rộng “biết môn Lý, hiểu môn Sinh, am tường môn Hóa” và còn phải cập nhật “thời tiết, thời giá, thời sự” vào trong bài giảng, bởi đâu phải trong lớp học sinh nào cũng yêu thích văn chương” - thầy Quang nói.

Đổi mới… người thầy

Chia sẻ về việc lần đầu tiên tổ chức hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng đây là dịp để đội ngũ thầy cô giáo dạy bộ môn Văn trên cả tỉnh và các nhà giáo nghỉ hưu cùng trao đổi kinh nghiệm dạy Văn, góp phần tìm kiếm những cách thức khơi gợi niềm đam mê học Văn, đọc sách văn học trong học sinh, “thắp lửa” cho người làm công tác giảng dạy. Hơn nữa, điều này cũng góp phần triển khai thực hiện tốt chủ đề năm học này là dạy người, xây dựng trường học hạnh phúc. Nhiều nhà giáo đánh giá rất cao hiệu quả mà hội thảo mang lại, tạo ra sự lan tỏa sâu sắc trong đội ngũ GV dạy Văn cũng như nhiều môn học khác.

Hội thảo “Dạy Văn - dạy người, hành trình từ trái tim đến trái tim” chỉ là một trong nhiều hoạt động đổi mới mà ngành GD-ĐT đang tập trung thực hiện, hướng đến nền giáo dục có chất lượng, giáo dục toàn diện cho người học. Bởi, nói như ông Hà Thanh Quốc, quan trọng nhất cho thành công của đổi mới giáo dục vẫn là vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Không ai khác, chính người thầy được xem như “máy cái” cho hành trình đổi mới giáo dục. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành GD-ĐT mạnh dạn thực hiện đổi mới công tác quản lý đội ngũ, trong đó đáng chú ý là tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất chuyên môn tại các trường học, bao gồm kế hoạch giảng dạy, công tác chuẩn bị lên lớp và trực tiếp dự giờ.

“Ban đầu, không ít cán bộ quản lý trường học, GV cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, đến nay tất cả đã nhận thấy việc làm này khá hiệu quả, kịp thời giúp trường học, GV chỉnh sửa, khắc phục những hạn chế, góp phần duy trì kỷ cương, nền nếp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học” - ông Quốc chia sẻ.

Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vừa để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, cũng là cách gián tiếp kiểm tra năng lực chuyên môn của GV. Vì vậy, thời gian qua, đề kiểm tra học kỳ theo đề chung toàn tỉnh, đối với bậc THPT là 9 môn, với lớp 9 là 8 môn và lớp 6 là 3 môn. Qua việc ra đề kiểm tra chung, có thể dễ dàng nhận thấy trường nào chất lượng giáo dục thấp, GV nào dạy chưa đạt yêu cầu. Từ đó, giúp mỗi thầy cô giáo và ngành có giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, thay đổi phương pháp giảng dạy cho hiệu quả.

XUÂN PHÚ