Thư viện thân thiện

THU SƯƠNG - MINH TÂN 25/11/2019 11:17

Đến với thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Thành, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, học sinh có thể dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ trả cuốn sách mà mình yêu thích. Đúng như tên gọi “Thư viện thân thiện”, nơi đây đã tạo được sự thoải mái, ham thích cho các em mỗi khi đến đọc sách.

Một góc “Thư viện thân thiện” của Trường Tiểu học Nguyễn Thành. Ảnh: SƯƠNG TÂN
Một góc “Thư viện thân thiện” của Trường Tiểu học Nguyễn Thành. Ảnh: SƯƠNG TÂN

 Từ khi có “Thư viện thân thiện”, cứ mỗi giờ ra chơi, học sinh của trường lại đến thư viện để đọc sách. Không ai bảo ai, các em tự giác để dép ở ngoài và xếp ngăn nắp. Chào đón các em là căn phòng với những bức bích họa dựa theo các câu chuyện như Tấm Cám, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn… cùng phong cảnh thiên nhiên quen thuộc. Có 6 mã màu dành cho các em học sinh từ lớp 1 - 5, dựa theo đó các em có thể dễ dàng tìm được cuốn sách phù hợp với bản thân. Em Nguyễn Văn Thuận - học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Thành kể: “Khi có Thư viện thân thiện em mượn sách rất dễ, mỗi lần ra chơi em có thể vào mượn và đọc những cuốn truyện hay, giúp mở mang kiến thức”.

Không chỉ vậy, thư viện còn có góc viết vẽ. Sau khi đọc xong một cuốn truyện, các em có thể sử dụng giấy và màu ở chính nơi đây để vẽ lại hình ảnh thích nhất trong truyện, kèm theo chú thích. Điều này giúp các em rèn luyện tư duy, năng khiếu mỹ thuật và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Những sản phẩm được trưng bày ngay tại thư viện theo từng khối lớp. Cùng với đó, thư viện còn có góc trò chơi với những trò chơi dân gian quen thuộc như ô ăn quan hay cờ vua... Điều này góp phần thu hút học sinh đến thư viện ngày càng đông và thường xuyên hơn. Cô Tô Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ tháng 4.2018, trường bắt đầu xây dựng Thư viện thân thiện. Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, nhà trường triển khai kế hoạch đến giáo viên và phụ huynh nhằm nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, nâng cao tính tự giác, ý thức của các em trong việc đọc và giữ gìn sách. Công trình được hoàn thành với tổng kinh phí 120 triệu đồng, từ sự hỗ trợ của UBND huyện Thăng Bình, kinh phí nhà trường, đóng góp của phụ huynh... và theo mô hình của tổ chức Room to Read.

Nội quy của thư viện không còn là những từ cứng nhắc, nguyên tắc như “cấm”, “không được” mà được thay bằng những câu nói nhẹ nhàng như “lấy sách nơi nào, trả sách nơi đó”, “đừng vẽ lên sách”, hay những quy định bắt buộc không được mang dép vào thư viện, giữ gìn trật tự được chú thích ở ngay ngoài cửa là “những điều em cần nhớ”. Đặc biệt hơn, nếu lỡ làm mất sách, các em không phải đền mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Chính nhờ vậy, thư viện đã dần trở thành nơi các em muốn đến để thư giãn sau những giờ học. “Mục đích của Thư viện thân thiện là cho các em được đến thư viện, khơi dậy niềm ham thích đọc sách và duy trì thường xuyên, sách các em cũng có thể được mượn về nhà. Ngoài việc đọc, nhà trường mong muốn phụ huynh cũng đến thư viện hay người dân xung quanh đây cũng có thể tham gia đọc sách ngay tại trường để từ đó lan tỏa phong trào đọc sách” - cô Tô Thị Thúy Hằng cho biết thêm.

THU SƯƠNG - MINH TÂN