Tết mùa trong trường học

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 20/11/2019 11:51

Học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn vừa cùng nhau vui hội Tết mùa truyền thống. Lễ hội này còn là dịp để các em thử sức “khởi nghiệp” bằng chính sản vật địa phương mình.

Các học sinh tự làm bánh sừng trâu. Ảnh: C.N
Các học sinh tự làm bánh sừng trâu. Ảnh: C.N

Lưu giữ văn hóa

Xúng xính trong những bộ thổ cẩm, các học sinh đồng bào Bh’noong, Cơ Tu, Tày… quây quần bên nhau ngồi gói bánh sừng trâu, nướng cơm lam và chế biến các món ẩm thực truyền thống của đồng bào. Đây là một trong những nội dung ngoại khóa thú vị tại hội Tết mùa, được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay. Theo tục lệ, Tết mùa là một nghi thức ăn mừng lúa mới truyền thống ở địa phương. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, đồng bào vùng cao Phước Sơn sẽ tổ chức cúng tạ ơn thần linh, cầu mong cho dân làng no ấm. Lễ hội này được đưa vào trường học vừa để các em “sống” với lễ hội truyền thống, vừa giáo dục ý thức gìn giữ, bảo tồn bản sắc cha ông.

Cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, lễ hội được các em đón nhận rất nhiệt tình. Bên cạnh tái hiện đầy đủ nghi thức của Tết mùa truyền thống, nhà trường còn tổ chức cho các em tham gia hoạt động cộng đồng như gói bánh, hát múa cồng chiêng, đốt lửa trại. “Toàn trường có 365 học sinh với 11 dân tộc anh em, chủ yếu là đồng bào Bh’noong. Nhiều năm qua, cùng với việc giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nhà trường quyết định đưa lễ hội Tết mùa thành hoạt động ngoại khóa, tạo không gian để các em sinh hoạt, vui chơi, giúp các em hiểu và tự hào về nguồn cội” - cô Thứ nói.

Dù là lễ hội của người Bh’noong, song các học sinh của trường còn mang đến những đặc trưng của nhiều dân tộc khác. Các em tỏ ra hào hứng với phần trình diễn trang phục truyền thống. Trong đêm lửa trại, tất cả hòa cùng điệu múa cồng chiêng, không gian lễ hội đọng lại tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong một “mái nhà chung” thu nhỏ.

Tập làm “thương nhân”

Bên cạnh những hoạt động truyền thống được duy trì, trong Tết mùa năm nay, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, một nội dung khá thú vị được các thầy cô đưa vào chương trình ngoại khóa mang tên “Em tập làm thương nhân”. Nhà trường hỗ trợ một ít kinh phí để các em “làm vốn”. Mỗi lớp dựa trên “nguồn vốn” đó, tự chọn cho mình cách thức để kinh doanh. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhà trường mở cửa hàng để phụ huynh, người dân có thể ghé thăm, ủng hộ cho các em “khởi nghiệp”. Theo cô Thứ, hoạt động này vừa giúp các em rèn luyện khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, đồng thời xây dựng ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các vật liệu nguồn gốc tự nhiên trong quá trình chế biến. Từ những sản phẩm được bày bán, ngoài việc “hoàn vốn” cho nhà trường, các lớp dành phần lợi nhuận thu được để góp vào quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường.

Gian hàng của lớp 12/1 thu hút khá nhiều người ghé thăm, bởi những “đặc sản” được các em học sinh mang đến từ nhà. Rau rừng, tiêu rừng, mật ong, các củ quả ở vùng cao trở thành điểm nhấn cho gian hàng nhỏ. Trong trang phục truyền thống, em Nguyễn Thị Thu Thủy (học sinh lớp 12/1) tự tin thuyết trình về món bánh sừng trâu, cơm lam, gà nướng theo khẩu vị vùng cao… cho khách. “Bên cạnh được tham gia các hoạt động truyền thống của Tết mùa, năm nay chúng em còn được trải nghiệm lần đầu tiên kinh doanh. Có khá nhiều khách đến hỏi về những thứ mà tụi em bán, em rất vui khi được giới thiệu về đặc sản của dân tộc mình. Cả lớp cùng tham gia lễ hội, không khí rất đoàn kết, giúp tụi em quên đi nhiều áp lực trong học tập” - Thủy chia sẻ.

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn đánh giá cao nỗ lực của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, trong đó có sự kiện Tết mùa. “Nhiều năm nay, địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trường tổ chức ngày hội Tết mùa cho học sinh, từ hỗ trợ kinh phí, trang phục, trống chiêng đến tập luyện, hướng dẫn các điệu múa truyền thống. Từ những hoạt động này, địa phương hướng đến việc xây dựng lễ hội thành đặc trưng riêng, trở thành một hoạt động văn hóa phục vụ phát triển du lịch trong tương lai” - ông Quảng nói.

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG