Chương trình sữa học đường cho học sinh 6 huyện miền núi cao: Cần cộng đồng đóng góp

XUÂN PHÚ 12/11/2019 10:17

Dự thảo đề án Sữa học đường cho trẻ em mầm non và học sinh (HS) tiểu học tại 6 huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2022 đang được bàn thảo. Dự án được đánh giá là nhân văn, cần thực hiện với sự tham gia trách nhiệm của cộng đồng.

Học sinh tiểu học và trẻ mẫu giáo ở 6 huyện miền núi cao của tỉnh sẽ được uống sữa học đường 5 lần/tuần. Ảnh: X.P
Học sinh tiểu học và trẻ mẫu giáo ở 6 huyện miền núi cao của tỉnh sẽ được uống sữa học đường 5 lần/tuần. Ảnh: X.P

Tin vui

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho biết, theo dự thảo đề án Sữa học đường cho trẻ em mầm non và HS tiểu học được triển khai tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh, gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn với mục tiêu bổ sung dinh dưỡng và các vi chất cần thiết, góp phần phòng chống suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc thế hệ tương lai. Tất cả trẻ mầm non, tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập tại 6 huyện sẽ được uống sữa 5 lần/tuần với thời gian thực hiện 9 tháng mỗi năm học. Trong đó, các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, khuyết tật, diện chính sách sẽ được uống sữa miễn phí hoàn toàn; những đối tượng còn lại phụ huynh đóng góp 50% (còn lại do ngân sách nhà nước và công ty cung cấp sữa hỗ trợ). Theo ông Quốc, mong muốn của cơ quan soạn thảo đề án thời gian thực hiện là 5 năm nhưng vì nhiều lý do nên rút ngắn 2 năm. Tổng kinh phí cho chương trình này là 88,8 tỷ đồng; trong đó ngân sách 61,4 tỷ, công ty sữa 17,5 tỷ và phụ huynh gần 10 tỷ đồng.

Đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa sâu sắc, nhưng nhiều ý kiến của các địa phương băn khoăn về thời gian thực hiện và nguồn huy động từ phụ huynh. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, không nên bó hẹp thời gian vì “không lẽ các cháu uống sữa 2 năm rồi nghỉ”. Về việc phụ huynh đóng góp kinh phí rất khó bởi thực tế họ còn nghèo. Hơn nữa, phụ huynh góp tiền thì phải lấy ý kiến của họ về loại sữa trước khi mua. “Do đó, nếu triển khai thì huyện cũng sẽ dành ngân sách hỗ trợ cho người dân chứ chắc chắn không thu được đâu” - ông Hà nói.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu cho rằng, để đề án triển khai căn cơ, đồng bộ, thời gian cần dài hơn, phạm vi mở rộng ra toàn tỉnh. Nhờ số lượng HS lớn nên dễ thu hút doanh nghiệp cung cấp sữa và kinh phí hỗ trợ của họ chắc chắn cũng nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở mức 20%. Trong khi đó, mức đóng góp 50% của người dân là không khả thi vì điều kiện khó khăn, rồi sẽ xảy ra trường hợp em có sữa, em không. Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đề nghị tất cả đối tượng được hỗ trợ 100%, tránh phân bì, phân biệt. Hơn nữa, con số 10 tỷ đồng phụ huynh đóng góp không lớn, có thể huy động doanh nghiệp hỗ trợ và nguồn ngân sách.

Cộng đồng đóng góp

Giải thích vì sao chỉ triển khai 2 năm tại 6 huyện, Phó Giám đốc Sở Tài chính - Vũ Nguyễn nói, dự thảo đề án ban đầu chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2020 - 2022) tại 6 huyện miền núi cao, giai đoạn 2 (2023 - 2025) triển khai ở cả 18 huyện, thị xã, thành phố. Qua nghiên cứu, xét thấy giai đoạn 1 ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 30 tỷ đồng/năm có khả năng đảm bảo để thực hiện. Tuy nhiên, giai đoạn 2 mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ 102 tỷ đồng là tương đối lớn và đây cũng là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách nên chưa có cơ sở xác định nguồn chi. Do đó, sở đề nghị triển khai trước giai đoạn 1 để đánh giá, rút kinh nghiệm. Sau đó, căn cứ khả năng cân đối ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách mới có thể lập đề án mới phạm vi cả tỉnh. Thực tế hiện nay cả nước cũng gặp khó khăn và chỉ có vài địa phương thực hiện chương trình sữa học đường.

Đặt câu hỏi “người nghèo được hỗ trợ, người khá giả cũng được hỗ trợ liệu có công bằng”, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh không đồng ý với cách đặt vấn đề miễn phí 100%. Theo bà Thu, quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào miền núi là rất tốt, song không thể cái gì cũng khoán trắng cho Nhà nước. Nhiều hay ít thì người dân cũng phải chung tay, chăm lo cho con em mình. Do đó, cần nghiên cứu mức đóng góp nào cho hợp lý. “Theo đề án, phụ huynh mỗi tuần chi 11.000 đồng mua sữa cho con chẳng lẽ không được?” - bà Thu nêu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, việc triển khai chương trình sữa học đường tại 6 huyện miền núi cao là hết sức nhân văn. Nhưng để cộng đồng trách nhiệm, ngoài ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các bậc phụ huynh có điều kiện cũng cần có sự đóng góp thêm khoảng 20% cùng chăm sóc sức khỏe, nâng cao tầm vóc cho con em mình. Ngoài ra, lựa chọn nhà cung cấp phải theo đúng quy định, đồng thời phải có cơ chế giám sát để đảm bảo chất lượng sữa. Sau 2 năm triển khai, sẽ có đánh giá để có thể tiếp tục mở rộng ra phạm vi cả tỉnh.

XUÂN PHÚ