Trường học không rác thải nhựa ở Tam Kỳ
Nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bước vào năm học 2019 - 2020, các trường học trên địa bàn Tam Kỳ đã triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực.
Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường An Phú, TP.Tam Kỳ), trước và trong mỗi lớp học đều được trang trí bằng những lọ hoa, cây xanh nhỏ nhắn đầy màu sắc. Những bình hoa này được các em học sinh của nhà trường tận dụng từ những vỏ chai nhựa, tự tay thiết kế và trang trí một cách sinh động, bắt mắt. “Từ những chai nhựa bỏ không ở nhà, em mang lên trường và được cô giáo hướng dẫn, tạo thành những bình hoa có hình con vật đáng yêu, sau đó tô màu và trồng hoa rồi mang vào trang trí trong lớp học. Sau khi bình hoa hoàn thành, em cảm thấy rất vui và thích thú” - em Nguyễn Ngọc Tinh Anh (lớp 4B, Trường Tiểu học Ngô Quyền) kể.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, bên cạnh việc tổ chức hội thi tái chế chai nhựa thành đồ dùng với sự tham gia của học sinh và phụ huynh, nhà trường còn tuyên truyền cho học sinh toàn trường hiểu về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường để từ đó các em tự giác nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời các em sẽ tuyên truyền đến phụ huynh về phong trào này, hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi ny lon trong gia đình.
Tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ), hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, Liên đội trường đã ra mắt mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” năm học 2019 - 2020 với việc thu gom tất cả giấy vụn, sách báo cũ không còn sử dụng, đưa đến tập hợp lại theo từng quý và gây quỹ từ việc bán giấy vụn. Nguồn quỹ này dùng giúp đỡ các đội viên có hoàn cảnh khó khăn, chăm ngoan, học giỏi trong Liên đội thông qua hình thức trao học bổng khuyến học. “Ngay từ đầu năm học nhà trường đã tuyên truyền và khuyến khích học sinh không sử dụng các đồ dùng bằng nhựa mà thay vào đó là dùng cốc thủy tinh hay những sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm lại có tính hữu dụng cao. Nhà trường cũng khuyến khích học sinh không bọc sách vở bằng bìa ny lon bán sẵn mà có thể thay thế bằng giấy báo hoặc dán mép bìa sách” - thầy giáo Nguyễn Anh Vũ, Tổng phụ trách Đội (Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) nói.
Chống rác thải nhựa là câu chuyện dài đòi hỏi sự kiên trì và chung tay của cả cộng đồng. Tuy nhiên, để viết nên câu chuyện dài đó cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất như các học sinh ở TP.Tam Kỳ đã và đang thực hiện. Hy vọng những mô hình này sẽ được nhân rộng tại các trường trên địa bàn thành phố để cùng hướng đến xây dựng trường học không rác thải nhựa.