Khả quan trường chuẩn
Quảng Nam được Bộ GD-ĐT đánh giá là điểm sáng trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia khi nhiều năm qua liên tục dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung về tỷ lệ trường đạt chuẩn.
Năm 2017, huyện Quế Sơn còn đến 15 trường chưa đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 40 trường học của địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thắng, tất cả tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia đều đã hoàn thành. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với địa phương là nguồn lực hạn chế nên không thể đầu tư xây dựng, sửa sang cùng lúc nhiều trường học. Nhưng chỉ sau hơn 2 năm, với những nỗ lực đầu tư của địa phương, giờ đây toàn huyện chỉ còn 6 trường chưa hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn, gồm trường 5 mầm non và 1 tiểu học. Trong khi đó, huyện Hiệp Đức cũng có những kết quả khả quan trong xây dựng trường chuẩn. Ông Phạm Văn Rực - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, từ năm 2013 đến nay HĐND huyện đã ban hành 2 nghị quyết về đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trên cơ sở này, dù điều kiện ngân sách còn khó khăn song trong 5 năm qua địa phương đã quan tâm đầu tư gần 40 tỷ đồng cho công tác xây dựng trường học để đạt chuẩn theo quy định. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 14 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; trong đó đáng chú ý 4 trường đạt chuẩn mức 2, nhiều hơn cả một số địa phương đồng bằng.
Sau gần 20 năm kể từ khi có trường học đầu tiên được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2000, đến nay công tác xây dựng trường chuẩn trên địa bàn tỉnh đã có được những kết quả đáng mừng. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện toàn tỉnh có tổng cộng 526 trường đạt chuẩn (tỷ lệ 61,7%); trong đó 151 trường mầm non (54,1%), 212 trường tiểu học (79,7%), 146 trường THCS (67,6%), 17 trường THPT (29,8%). Những địa phương quan tâm đầu tư khá lớn cho sự nghiệp trồng người nên có được số trường đạt chuẩn nhiều với tỷ lệ cao như huyện Đại Lộc - 63 trường, Điện Bàn - 68, Thăng Bình - 62, Núi Thành - 50, Phú Ninh - 33. Một số huyện miền núi vài năm gần đây như Tiên Phước, Nam Giang, Phước Sơn cũng đã tạo ra chuyển biến đáng kể trong xây dựng trường chuẩn.
Những rào cản
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, xây dựng trường chuẩn là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thông qua xây dựng trường chuẩn, các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công tác quản lý trường học được nâng lên. Thời gian qua, công tác này đã được toàn ngành và các địa phương quan tâm đầu tư rất lớn, mang lại nhiều kết quả tích cực. “Điều đáng mừng là với tổng số 526 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 61,7%, Quảng Nam là địa phương dẫn đầu các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung về công tác xây dựng trường chuẩn. Điều đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh, các địa phương, nỗ lực của toàn ngành và sự hỗ trợ, đóng góp của toàn xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT nói chung, công tác xây dựng trường chuẩn nói riêng” - ông Quốc chia sẻ.
Đã có nhiều thành quả, song nhìn lại, công tác xây dựng trường chuẩn vẫn chưa đạt như mong đợi, nhất là đối với các địa phương miền núi. Đến thời điểm này 9 huyện miền núi có tổng cộng 88 trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, ngoài Tiên Phước, Nam Giang, Hiệp Đức, các huyện còn lại số trường học đạt chuẩn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, thậm chí huyện Bắc Trà My và Nam Trà My có chưa đầy 10% trường học đạt chuẩn. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My - Võ Đăng Thuận lý giải, địa phương có quá nhiều điểm trường lẻ, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, muốn xây dựng 1 trường đạt chuẩn cần từ 5 - 7 tỷ đồng. Do đó, con số 3 trường đạt chuẩn đến nay cũng được coi là một sự nỗ lực của huyện. Ngay cả các địa phương đồng bằng, hiện cũng đối diện với không ít khó khăn khi mà nhiều trường học vẫn còn xuống cấp.
Đặc biệt, tỷ lệ trường đạt chuẩn ở bậc học mầm non khá thấp. Trong khi tỷ lệ trường đạt chuẩn ở bậc tiểu học và THCS gần như 100% thì bậc mầm non Tam Kỳ 47%, Điện Bàn 51%, Hội An 61%. Nguyên nhân là hầu hết trường mầm non ngoài công lập chưa đạt chuẩn đã kéo theo tỷ lệ chung của địa phương xuống thấp. Đây là bài toán nan giải đối với các địa phương.
Xây dựng trường chuẩn bậc THPT hiện nay cũng gặp nhiều rào cản. Hiện cả tỉnh mới chỉ có 17 trường đạt chuẩn, tỷ lệ chưa đến 30%, thấp nhất trong các bậc học. Chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 có 40% trường THPT đạt chuẩn quốc gia, tương đương với con số 22 trường. Điều đó cũng có nghĩa, cần phải có thêm ít nhất 5 trường đạt chuẩn nữa mới hoàn thành. Theo ông Quốc, đây là điều khá khó khăn khi mà tiến độ đầu tư cơ sở vật chất rất chậm khiến cho nhiều trường không đảm bảo kế hoạch.