Lúng túng trong giáo dục nghề nghiệp

XUÂN PHÚ 19/10/2019 15:27

Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được Quốc hội thông qua ngày 27.11.2014 và có hiệu lực từ 1.7.2015. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Có thời kỳ Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam tổ chức đào tạo ngành sư phạm. Ảnh: X.P
Có thời kỳ Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam tổ chức đào tạo ngành sư phạm. Ảnh: X.P

Dàn trải, chồng chéo

Từ năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành đề án Đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2008 - 2015. Theo đó, các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh được quy hoạch, bố trí từ đồng bằng đến miền núi, đa dạng về trình độ đào tạo và ngành nghề. Đến năm 2017, một lần nữa tỉnh quyết định sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN, giải thể 13 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Hiện toàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN và 11 cơ sở đăng ký tham gia GDNN.

Thực hiện Nghị quyết 19 (25.10.2017) của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý GDNN, các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng Đề án sắp xếp lại các cơ sở GDNN công lập trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa được ban hành để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Điều đó gây nhiều lúng túng, khó khăn cho các trường học, nhất là trong việc tổ chức bộ máy, nhân sự. Tất nhiên cũng có nguyên nhân khách quan như sau hơn một năm Luật GDNN có hiệu lực, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 76 (3.6.2016) về quản lý GDNN. Đến ngày 15.3.2017, UBND tỉnh mới có quyết định chuyển giao chức năng, nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về GDNN  từ Sở GD-ĐT sang Sở LĐ-TB&XH.

Một tồn tại, bất cập dễ thấy nhất đó là hầu hết cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đúng mức về ngành nghề đào tạo. Từ đó, số lượng cơ sở đào tạo nhiều nhưng ngành nghề thế mạnh tạo nên thương hiệu của đơn vị gần như không có. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thùy cho rằng, ngành nghề đào tạo ở các cơ sở còn tràn lan, chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động. Những ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao đón đầu phục vụ yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ điện tử, tự động hóa hay công nghệ du lịch, dịch vụ chất lượng cao chưa được đầu tư mạnh. Có một thực trạng nữa là trên cùng địa bàn có nhiều cơ sở GDNN với cùng ngành nghề và trình độ đào tạo gây nên chồng chéo trong công tác tuyển sinh.

Bất cập đội ngũ và cơ sở vật chất

Một thách thức rất lớn đối với GDNN thời điểm hiện nay là công tác tuyển sinh. Dù đẩy mạnh phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, song tỷ lệ tuyển sinh đạt rất thấp. Năm 2018 tuyển sinh cao đẳng chỉ hơn 33% chỉ tiêu còn trung cấp có đỡ hơn nhưng cũng chỉ chưa đến 44%. Đã vậy, người học trung cấp sau khi ra trường các doanh nghiệp không thể nhận làm việc vì không đủ 18 tuổi, thậm chí phải “năn nỉ” để được thực tập.

Theo quy định của chương trình đào tạo GDNN, phải đảm bảo cơ cấu lý thuyết 30% và thực hành 70%. Lãnh đạo nhiều trường học chia sẻ, để thực hiện đúng yêu cầu này không hề dễ đối với các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam được đầu tư khá lớn, trong 5 năm gần đây ngân sách tỉnh và Trung ương đã chi hơn 41 tỷ đồng cho cơ sở vật chất và trang thiết bị. Dù vậy, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam - Nguyễn Quyết Thắng, nhà trường vẫn không thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nhiều thiết bị chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Trong khi đó, xuất phát điểm là trường cao đẳng chuyên nghiệp nên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang GDNN. Hiệu trưởng Lương Văn Vui thừa nhận, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của trường vừa thiếu vừa lạc hậu, rất hạn chế so với yêu cầu trường nghề. Do đó, nhà trường phải đẩy mạnh liên kết đào tạo với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có cơ sở thực hành.

Đội ngũ giáo viên của GDNN hiện nay cũng khá bất cập. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong số hơn 1.400 người, tỷ lệ có trình độ đại học trở lên chiếm đến hơn 88% và trình độ sư phạm 85%. Tuy nhiên, tỷ lệ có trình độ kỹ năng nghề chỉ chưa đầy 4% với vỏn vẹn 79 người. Rất nhiều cơ sở GDNN “than trời” khi chuẩn trình độ kỹ năng nghề chưa đạt nhưng lại yêu cầu đội ngũ phải hoàn thiện đạt chuẩn thời hạn cuối năm 2019. Một đơn vị có truyền thống gần 50 năm phát triển như Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam nhưng mới chỉ có 2 ngành (trong tổng số 20 ngành) đảm bảo yêu cầu về kỹ năng nghề đối với giáo viên. Tại buổi giám sát của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về GDNN trên địa bàn tỉnh mới đây, nhiều trường học đã nêu lên bất cập này và đề nghị có giải pháp khắc phục.

XUÂN PHÚ