Tuyên truyền nâng cao nhận thức về biển đảo: Ứng dụng công nghệ 3D “ảo như thật”

XUÂN HIỀN 04/10/2019 11:43

Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, do Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và truyền thông), Sở Thông tin và truyền thông, Sở GD-ĐT phối hợp tổ chức, đang diễn ra tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh như một cách để khơi gợi tinh thần yêu nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ biển đảo quê hương trong thế hệ trẻ...

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi nói chuyện với học sinh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: X.H
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi nói chuyện với học sinh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: X.H

Bồi đắp tình yêu biển đảo

Trong các ngày 2 - 4.10, hàng trăm học sinh của các Trường THPT Núi Thành (Núi Thành), THPT Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) và THPT Tiểu La (Thăng Bình) được tham quan, cung cấp kiến thức về chủ quyền biển đảo của Việt Nam thông qua Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Hồ Trọng Đức - học sinh Trường THPT Trần Cao Vân chia sẻ rằng, tham dự triển lãm về Hoàng Sa - Trường Sa giúp em có thêm kiến thức về chủ quyền biển đảo của đất nước, biết được lịch sử các vùng biển đảo của Việt Nam. “Các thông tin, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển đảo Việt Nam, quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo cũng như những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam được giới thiệu trong triển lãm góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành chia sẻ. 

Triển lãm số “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tổ chức tại các trường THPT của Quảng Nam. Ảnh: X.H
Triển lãm số “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tổ chức tại các trường THPT của Quảng Nam. Ảnh: X.H

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam nói, truyền cảm hứng về biển đảo cho lớp trẻ là việc nhất thiết phải làm trong thời buổi hiện nay. Cần phải nói để mọi người, mọi tầng lớp hiểu sâu sắc về biển đảo Việt Nam. “Hy vọng thế hệ trẻ sẽ là lớp người kế thừa sự nghiệp lớn của đất nước, khi các em hiểu đúng và sâu sắc về các giá trị vùng biển của Việt Nam, tiếp cận và hiểu biết chủ quyền biển đảo của đất nước” - PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẻ. Với mong muốn nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong thế hệ học sinh, sinh viên, bằng nhiều tư liệu lịch sử tại triển lãm, nhằm góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời qua các buổi triển lãm, tuyên truyền, theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, còn góp phần bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Số hóa tư liệu triển lãm

Lần này, các tư liệu triển lãm về Hoàng Sa - Trường Sa được thực hiện số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền. Theo đó, triển lãm số được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo 3D cho phép người xem được tự do đi lại và khám phá tư liệu hiện vật trong không gian “ảo như thật”. Bằng công nghệ thực tế ảo 3D, từ mô hình tàu hải đội Hoàng Sa, Tượng đài đội Bắc Hải, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển đều được người xem nhìn thấy. Mỗi tư liệu, hiện vật trong triển lãm số, ngoài việc tích hợp thông tin mô tả bằng âm thanh, bằng văn bản còn cho phép người xem tương tác trực tiếp như phóng to, thu nhỏ... góp phần thông tin đến người xem một cách trực quan và rõ ràng nhất. Ngoài ra, lời giới thiệu của thuyết minh viên cũng sẽ được tích hợp thành kịch bản trình diễn tự động nên có thể tổ chức triển lãm không có thuyết minh viên.

Tại triển lãm đợt này, hệ thống các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được giới thiệu bằng hình thức sa bàn số 3D, cho phép mọi người tương tác trực tiếp để tìm hiểu thông tin chi tiết về vị trí, diện tích, các công trình trên đảo... trong hệ thống này. Công nghệ số còn giúp tương tác giữa người xem triển lãm và hình ảnh về cuộc sống, con người tại Trường Sa thông qua việc ghi lại hình ảnh. Ngoài ra, các câu hỏi liên quan, từ các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với những vấn đề Biển Đông cho đến không gian biển đảo của đất nước đều được hệ thống phần mềm tích hợp trả lời cho người hỏi. Triển lãm còn trưng bày các tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một cuộc triển lãm không đơn thuần chỉ nghe thuyết minh và xem hiện vật, mà còn được tương tác trực tiếp bằng các phần mềm hiện đại khiến người xem rất thích thú. Đặc biệt, với lứa tuổi THPT, các cuộc triển lãm như thế này giúp các em hiểu thêm về chủ quyền biển đảo và tiếp nhận kiến thức lịch sử thông qua hình thức sinh động chứ không hề khô khan, cứng nhắc...

XUÂN HIỀN