Hỗ trợ thiết thực học sinh dân tộc thiểu số
Triển khai Nghị quyết số 50/2018/NQ-HĐND ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 50), nhiều học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ thiết thực; tác động tích cực đến công tác dạy và học ở miền núi.
Năm học 2018 - 2019, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chu Huy Mân (ở xã Trà Giáp, Bắc Trà My) có 7 lớp với 234 học sinh; trong đó có 120 học sinh bán trú. Nhiều học sinh của trường không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18.7.2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vì gia đình các em không còn nằm trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020. Không được hưởng chính sách hỗ trợ trong khi gia đình các em rất khó khăn nên học sinh có nguy cơ bỏ học, việc tổ chức bữa ăn bán trú tại trường khó duy trì. Sau khi Nghị quyết 50 “Quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người DTTS, học sinh khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam chưa được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ từ Trung ương” được thông qua, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chu Huy Mân được hỗ trợ tiền ăn trưa, chi phí học tập nên các em an tâm học tập, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh ổn định.
Nghị quyết 50 của HĐND tỉnh áp dụng đối tượng gồm: trẻ em mầm non là người DTTS đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng không hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5.1.2018 của Chính phủ và trẻ em mầm non là người khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non là con của gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; học sinh phổ thông (không áp dụng đối với học sinh đang theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú) là người DTTS đang theo học tại các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18.7.2016 của Chính phủ và học sinh phổ thông là người khuyết tật con của gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên là người DTTS đang học cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nằm trong diện đăng ký và đã thoát khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thầy giáo Trần Ngọc Cường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chu Huy Mân cho biết: “Chính sách hỗ trợ học sinh từ Nghị quyết 50 đã kịp thời hỗ trợ các em học sinh DTTS tại trường trong học tập, nhất là việc đi lại, mua sắm dụng cụ, sách vở. Số tiền hỗ trợ cho các em rất chính đáng, tạo động lực cho các em phấn đấu học tập và rèn luyện. Khi chưa có chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 50 thì điều kiện học tập của các em rất hạn chế, có em vắng học hoặc nghỉ học”.
Theo Sở GD-ĐT, trong năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 1.843 học sinh bị cắt giảm chế độ hỗ trợ của Nhà nước, gồm tiền ăn, gạo, được ở bán trú hoặc hỗ trợ tiền ở… Trong đó, học sinh THPT có 699 em, cấp tiểu học và THCS có 1.144 em. Không được hưởng các chế độ chính sách như trước đây nên nhiều học sinh người DTTS ở các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bỏ học, vì gia đình các em rất khó khăn. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Nghị quyết 50 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người DTTS, học sinh khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có tính nhân văn cao, tác động tích cực đến dạy và học ở miền núi. Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT và các trường triển khai kịp thời, đảm bảo các em được hưởng chính sách hỗ trợ để an tâm học tập”.
Nghị quyết 50 không những hỗ trợ học sinh vùng DTTS an tâm học tập mà còn góp phần tích cực trong việc khuyến khích thoát nghèo bền vững ở các địa phương miền núi. Ông Lê Văn Thánh - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giáp (Bắc Trà My) cho biết: “Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 50 của HĐND tỉnh, địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri, họp hội đồng giáo dục xã và trao đổi với phụ huynh để nắm chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh. Khi người dân được thông tin về chính sách hỗ trợ từ nghị quyết thì bà con rất vui, tạo động lực cho bà con phấn đấu thoát nghèo bền vững”.