Trường đại học, cao đẳng thời khốn khó - Bài 2: Bộ máy nhân sự và nỗi lo tài chính
Quy mô đào tạo giảm nhanh, nhưng bộ máy nhân sự lại không theo kịp khiến cho các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tài chính.
Bài toán đội ngũ
Trường Cao đẳng (CĐ) Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam đã trải qua một lần “đại phẫu” vào năm 2015. Năm đó, trước tình hình quy mô đào tạo giảm sút rõ rệt, từ 8.000 học sinh, sinh viên (HS, SV) thời điểm năm 2012 giảm chỉ còn chưa đến 4.000 vào năm học 2015 - 2016, nhà trường buộc phải thực hiện cuộc tinh giản lao động quy mô lớn nhất trong lịch sử 45 năm của trường. Theo đó, gần 120 cán bộ, giảng viên, nhân viên được cho nghỉ việc trong thời gian 3 năm, từ năm 2015 đến năm 2017. Nhưng có lẽ chừng ấy vẫn chưa tương ứng với số lượng HS, SV giảm. ThS. Lương Văn Vui - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tổng số cán bộ, viên chức của trường hiện nay là 207 người, trong đó 137 biên chế và 70 hợp đồng (chỉ tiêu biên chế tỉnh giao 180) với lưu lượng 1.000 HS, SV. Do vậy, thời gian tới nhà trường phải tiếp tục rà soát tinh giản, sắp xếp đội ngũ hợp lý nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, giải quyết bài toán tài chính do tuyển sinh sụt giảm.
Theo PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Quảng Nam, từ năm 2007 Trường ĐH Quảng Nam được thành lập và phát triển theo hướng đa ngành, đa cấp, đa hệ; các mã ngành đào tạo được mở rộng, chỉ tiêu đào tạo tăng lên rất nhiều. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, từ năm 2007 đến năm 2015, ngoài chỉ tiêu 180 biên chế tỉnh giao, nhà trường phải hợp đồng thêm lượng lớn giảng viên và nhân viên. Tính đến thời điểm hiện nay, đội ngũ của trường là 273 người; trong đó 149 biên chế và 124 hợp đồng (chỉ tiêu biên chế là 172). Tuy nhiên, 3 năm gần đây, do công tác tuyển sinh gặp khó khăn nên đã xảy ra hiện tượng dôi dư cán bộ, giảng viên, nhất là ở những ngành không tuyển được SV. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường tiếp tục động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên lớn tuổi, không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, hoặc thôi việc ngay theo quy định của pháp luật.
Nỗi lo tài chính
Liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 22 (19.7.2018) về một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tuyển sinh, đào tạo và sử dụng kinh phí đào tạo. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh hồi tháng 7, Thường trực HĐND tỉnh đã có báo cáo đánh giá, cho rằng các nội dung của nghị quyết đang được chỉ đạo triển khai kịp thời, như đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập; giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp nhu cầu sử dụng của thị trường lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2018, đã chấm dứt giao chỉ tiêu trong ngân sách đối với đào tạo giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng. Từ năm 2019 chỉ tuyển sinh HS, SV có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam đối với chỉ tiêu đào tạo ngân sách nhà nước đặt hàng, các trường hợp không đạt chỉ tiêu thì hoàn trả ngân sách.
Tuyển sinh giảm sút gây rất nhiều khó khăn, hệ lụy như cán bộ, giảng viên không có công ăn việc làm, thu nhập giảm sút, nhiều người phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề sang các đơn vị khác, còn nhà trường thì loay hoay tìm lời giải cho bài toán tài chính. PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương thừa nhận, tuyển sinh không đạt chỉ tiêu ảnh hưởng lớn đến nguồn kinh phí thường xuyên, tự chủ của Trường ĐH Quảng Nam. Theo đó, kinh phí giao từ ngân sách tỉnh năm 2019 giảm gần 3 tỷ đồng so với năm 2018. Trước đó, năm 2017 nhà trường phải hoàn trả ngân sách 283 triệu đồng và năm 2018 là 963 triệu do lưu lượng SV không đạt theo kế hoạch giao. Điều này làm cho thu nhập của cán bộ, giảng viên bị sụt giảm. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng ít cũng gây rất nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc tổ chức đào tạo, duy trì lớp học, không đảm bảo kinh phí để chi trả tiền lương cho giảng viên.
Ngân sách giao cho các trường theo chỉ tiêu đào tạo. Vì vậy, khi tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, cũng đồng nghĩa với việc ngân sách cắt giảm. Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam thời gian qua cũng bị cắt giảm ngân sách trong chỉ tiêu đào tạo khá lớn, từ hơn 12 tỷ đồng năm 2016 xuống còn hơn 7 tỷ đồng năm 2018. Để giữ ổn định mã ngành đào tạo, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người học, các trường phải chấp nhận bố trí lớp chỉ có 10 - 12 HS, SV. Trong khi đó, tiền lương cho giảng viên vẫn phải trả đủ dù họ dạy ít hay nhiều và ngân sách giao cũng không tính đến vấn đề này. Theo lãnh đạo các trường, để cân đối thu - chi, thời gian qua nhiều khoản chi tiêu của trường hay thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, giảng viên buộc phải cắt giảm.
Nguồn kinh phí hoạt động của các trường dựa vào nguồn ngân sách đối với đào tạo trong chỉ tiêu ngân sách và nguồn thu học phí từ người học ngoài chỉ tiêu ngân sách. Thế nên, khi mà tuyển sinh hàng năm không đạt chỉ tiêu dẫn đến nhiều khó khăn về tài chính. Và nhiều năm nay, các trường vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy.