Giáo dục di sản trong học đường
Một điều khá thành công và nhận được rất nhiều sự hoan nghênh từ các chuyên gia, tổ chức trong 20 năm qua của Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là câu chuyện khơi dậy và xây dựng tình yêu di sản ngay từ lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường...
Phải để học sinh hiểu biết, tự hào với vùng đất mình sinh ra và lớn lên bằng những kiến thức về văn hóa, lịch sử. Từ các thế hệ này mới hình thành nên những lớp người đóng góp cho di sản trong tương lai. Tâm ý này đã thành hiện thực tại 2 di sản văn hóa thế giới của Quảng Nam, với câu chuyện đưa giáo dục di sản vào học đường. Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng (Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho biết, Hội An đã xây dựng bộ giáo trình về giáo dục di sản trong học đường cho học sinh từ khối lớp 1 và lớp 6, đồng thời triển khai các chương trình ngoại khóa như Chúng em khám phá bảo tàng; Thi tìm hiểu di sản qua sách báo tại thư viện; Trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng… góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị di sản. “Mục đích của bộ giáo trình này là để tạo sự tương tác giữa giáo viên, học sinh và cán bộ hướng dẫn di tích. Không phải như trước đây, các em chỉ đến tham quan là chủ yếu. Từ những hoạt động tương tác, bao gồm lý thuyết về giá trị lịch sử, văn hóa… của di sản trong lớp học, đi trải nghiệm di sản, sau đó thu hoạch bằng những hình thức như vẽ tranh, làm tượng…, các em sẽ biết yêu mến hơn các di sản văn hóa Hội An, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ di sản từ lúc còn trên ghế nhà trường” - bà Lê Thị Tuấn nói. Tượng tự, từ nhiều năm nay, Hội An đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Di sản văn hóa Hội An qua internet” - mỗi kỳ kéo dài 24 tuần, hay tổ chức các hội thi “Chúng em với di sản và môi trường” trong tất cả trường THCS, “Thanh niên Hội An với di sản văn hóa Hội An”… nhằm kích thích học sinh, đoàn viên thanh niên tìm hiểu về những nét đẹp, văn hóa lịch sử của vùng đất di sản nơi mình sống.
Trong khi đó, bắt đầu ngay từ năm 2004, hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên đã đến các trường học trên địa bàn huyện Duy Xuyên để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, đặc biệt là dấy lên niềm tự hào về tháp cổ ngàn năm Mỹ Sơn trong lòng các thế hệ học trò. Đây chính là kết quả dự án “Thanh niên với việc bảo tồn di sản” được triển khai tại khu di sản Mỹ Sơn. Cùng với đó, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn, xuất bản sách và đã in hơn 2.000 tập tài liệu dùng cho giáo viên và sách dùng cho học sinh trong nhà trường tiểu học và THCS nhằm giáo dục ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, gìn giữ truyền thống văn hóa địa phương. Ngoài ra, hằng năm đều có các hoạt động thi viết, vẽ về Mỹ Sơn, thi “Em là hướng dẫn viên” bằng tiếng Anh và Việt...