Tiếp tục “bài ca” thiếu giáo viên

XUÂN PHÚ 29/08/2019 13:23

Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, các địa phương, trường học lại tiếp tục “bài ca” thiếu giáo viên (GV). Nhưng câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Các thí sinh trúng tuyển viên chức giáo dục năm 2017 lựa chọn đơn vị công tác. Ảnh: X.P
Các thí sinh trúng tuyển viên chức giáo dục năm 2017 lựa chọn đơn vị công tác. Ảnh: X.P

Thiếu và thiếu

Tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 vừa qua, hầu hết ý kiến phát biểu của các địa phương, trường học đều xoay quanh câu chuyện thiếu GV. Ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Giang cho biết, năm học 2018 - 2019 ngành giáo dục huyện bị cắt giảm 51 chỉ tiêu biên chế. Đã thiếu GV, lại còn cắt biên chế, nên từ chỗ có 70% học sinh (HS) tiểu học được học 2 buổi/ngày đã giảm xuống còn 60%. Còn tại huyện Tây Giang, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Arất Blúi, tình trạng thiếu GV của địa phương khá trầm trọng, nhất là bậc học mầm non và tiểu học. Năm học 2019 - 2020, toàn huyện sẽ thiếu 43 GV nhưng chưa biết giải quyết thế nào khi tỉnh không cho hợp đồng.

Không chỉ miền núi, các địa phương đồng bằng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương, thời gian qua đã chủ động sắp xếp trường, lớp theo hướng sáp nhập để tinh gọn đội ngũ, thậm chí bố trí số lượng HS/lớp vượt mức quy định. Tuy nhiên, đội ngũ GV vẫn không đáp ứng yêu cầu tổ chức giảng dạy. Theo ông Bùi Tấn Nhã - Phó phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, dịp hè vừa qua, thành phố đã tiếp nhận 11 GV tiểu học từ các địa phương khác chuyển về nhưng so với yêu cầu năm học mới 2019 - 2020 vẫn còn thiếu 11 GV tiểu học và 2 GV bậc THCS...

Câu chuyện thiếu GV không phải là mới. Trong hai năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, tình trạng thiếu GV thậm chí khá “nóng”, diễn ra tại nhiều địa phương, trường học, dù cho năm 2017 có 2  đợt thi tuyển viên chức giáo dục tuyển được hơn 1.300 GV. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tổng số biên chế toàn ngành được giao năm 2018 là 22.791, đang sử dụng chỉ là 21.296, còn 1.495 biên chế chưa được sử dụng. Nếu so sánh theo quy định (Thông tư 06 đối với cấp học mầm non và Thông tư 16 đối với phổ thông của liên bộ GD-ĐT và Nội vụ), với quy mô trường lớp của tỉnh, tổng số người làm việc phải là 24.728, thì toàn ngành thiếu 1.937 chỉ tiêu biên chế, còn so với số biên chế đang sử dụng thiếu 3.430 người. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có chủ trương tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục trong năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do chưa thể tổ chức được.

Nhiều hệ lụy

Theo lãnh đạo các phòng GD-ĐT, trường học, việc thiếu GV gây không ít khó khăn trong tổ chức biên chế lớp học, phân công giờ giảng, thực hiện các mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Phước Trần Thanh Hải cho biết, do thiếu GV nên địa phương không thể thực hiện mục tiêu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% HS tiểu học vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy. Trong khi đó, một số địa phương cũng cho biết đang diễn ra tình trạng “nước chảy ngược”, đó là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày giảm so với trước. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng GD-ĐT Bắc Trà My chia sẻ, GV đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được tuyển dụng mới nên đầu năm học tỷ lệ học 2 buổi/ngày 78% thì đến giữa năm học giảm xuống còn 56%.

Việc thiếu GV ở các trường THPT có đỡ hơn song không vì thế mà bớt lo, nhất là vấn đề tài chính. Thông tin từ Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành, số tiền nhà trường phải trả cho các thầy, cô giáo dạy tăng, dạy thay trong năm học 2018 - 2019 lên đến 420 triệu đồng. “Đây là một nghịch lý và là hệ lụy từ việc thiếu GV nhưng không được hợp đồng GV để giảng dạy. Nếu cho phép các trường hợp đồng thời vụ GV, rõ ràng sẽ giảm được khá nhiều kinh phí bởi trả lương cho GV hợp đồng ít hơn chi tiền tăng thay” - thầy Thiện phân tích.

Giải thích về việc không được hợp đồng GV để giảng dạy đối với các nơi thiếu GV, một đại diện Sở Nội vụ cho biết đây là quy định chung của cả nước chứ không riêng gì Quảng Nam. Còn việc tổ chức thi tuyển hiện nay cũng gặp nhiều vướng mắc, phải tiếp tục chờ xin ý kiến các bộ, ngành trung ương. Ngoài ra, các địa phương cũng đang thực hiện sắp xếp lại trường, lớp, đội ngũ nên phải tính toán kỹ để xác định chỉ tiêu tuyển dụng theo đúng nhu cầu.

XUÂN PHÚ