Chương trình “Tiếp sức đến trường”: Cầu nối vạn tấm lòng

AN NHIÊN 23/08/2019 13:32

Ngày mai 24.8, tại khách sạn Palm Garden Hội An, 150 tân sinh viên khó khăn của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” (Quảng Nam 120 trường hợp) do Tỉnh đoàn Quảng Nam và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, mỗi suất trị giá 10 - 15 triệu đồng.

Tân sinh viên được trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng năm 2018. Ảnh: TẤN LỰC
Tân sinh viên được trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng năm 2018. Ảnh: TẤN LỰC

Những mảnh đời

Cuối năm 2018, câu chuyện cậu học trò nghèo Nguyễn Tấn Hiếu (lớp 12/10 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn) trong lúc đi học về nhặt được bọc tiền 50 triệu đồng và quyết tâm đi tìm người mất để trả lại làm nhiều người xúc động và thán phục. Thầy Nguyễn Tấn Sáu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ở trường cũng có nhiều học sinh nhặt được máy tính, điện thoại... của bạn sau đó nhờ thầy cô trả lại. Nhưng hành động của Hiếu là đặc biệt. Bởi lẽ, Hiếu có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố nằm bệnh viện điều trị lâu dài, em trai ở Làng Hy vọng Đà Nẵng, mẹ tần tảo lo kinh tế gia đình.

Mới đây, cậu học trò trượng nghĩa ngày nào đã khấp khởi lên trường để nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật cơ điện tử Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với tổng điểm 22. Ngay lúc cầm tờ giấy báo trên tay với bao vui mừng, là nỗi lo âu bởi khoản học phí mỗi năm tới hơn 30 triệu đồng. Sau nhiều ngày được hàng xóm, thầy cô giáo động viên, mấy hôm nay Hiếu đã vững tin hơn để xếp dọn đồ đạc chuẩn bị lên đường ra Đà Nẵng làm thủ tục nhập học. Chúng tôi về thăm lại nhà Hiếu ở thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn. Ngôi nhà tới nay vẫn chưa có cửa, tường vẫn chưa tô.

Tháng 3.2013, tin vợ chồng anh Huỳnh Văn P. và chị Nguyễn Thị T. tử vong do chìm ghe trong lúc đi đánh cá đã làm bàng hoàng cả tổ 41, khối phố 6, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi thấy ba đứa con (đứa lớn mới 13 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi) ôm chầm lấy thi thể của ba mẹ khóc nức nở. Ba đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất cả cha lẫn mẹ. Sau khi đưa tang ba mẹ xong, các con của anh chị đã bắt đầu đi học trở lại. Huỳnh Thị Vinh, học lớp 6/5 Trường THCS Lý Tự Trọng, Tam Kỳ, con gái đầu, khi ấy tâm sự: “Ba mẹ mất rồi, em phải cố gắng học để sau này còn lo cho các em”. Lời hứa của cô học trò nhỏ ngày trước giờ đã thành sự thật, khi Vinh được nhập học Trường Đại học Văn Lang TP.Hồ Chí Minh với điểm số 24.

Cánh thư hy vọng...

Những ngày qua, Tỉnh đoàn Quảng Nam và Báo Tuổi Trẻ (hai đơn vị phối hợp tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” tại Quảng Nam) nhận được nhiều cánh thư từ các tân sinh viên. Phía sau những dòng báo tin vui ngắn ngủi bao giờ cũng chất chứa những tâm tư trĩu nặng lo âu... và cả hy vọng về ước mơ đến trường.

Bạn Hồ Thị Ngọc Nga (thôn Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) viết: “Em mồ côi cha từ năm 2005. Mẹ bị bệnh hiểm nghèo mổ đi mổ lại nhiều lần. Đến nay, mẹ chỉ làm được những công việc nhẹ trong nhà. Nhà không có ruộng vườn nên cuộc sống hết sức khó khăn. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau sống, biết được hoàn cảnh của mình, em đã cố gắng học tập nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường, năm lớp 10, 11 đạt giải nhì môn vật lý cấp tỉnh, năm lớp 12 đạt giải khuyến khích vật lý cấp tỉnh”.

Từ huyện miền núi Nam Giang, cậu học trò Pơ Loong Pháp (thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ) viết thư gửi về: “Em mồ côi ba. Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Mẹ con đã già và mất sức lao động. Thu nhập của gia đình dựa vào việc đi làm thêm của con và làm nương của mẹ”. Pháp còn chia sẻ, bốn năm qua phải đi làm thêm phụ mẹ nuôi em gái học đại học. Tuy đã nhận được giấy trúng tuyển nhưng vì điều kiện gia đình, Pháp vẫn còn đang phân vân mình có thực hiện ước mơ hay không. “Hoàn cảnh gia đình khốn khó quá nên một mình em không có khả năng xoay xở cho việc học. Nếu nhận được sự hỗ trợ từ chương trình thì đó là động lực để em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình” - Pháp viết.

Hay như bức thư của tân sinh viên Lê Văn Nhân (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) chia sẻ hoàn cảnh thật éo le: “Gia đình thuộc diện khó khăn, mẹ bị gai cột sống 5 đốt, ba bị suy tim nặng do di chứng sau quân ngũ, bản thân em bị căn bệnh ung thư máu dòng tủy từ năm 2015”. Dù chống chọi với căn bệnh quái ác khi hằng tháng phải uống thuốc và khám định kỳ, nhưng Nhân vẫn là người lớp trưởng gương mẫu, là bí thư chi đoàn năng động. Vượt qua những khó khăn về vật chất, tinh thần và căn bệnh đang từng ngày hành hạ, kỳ thi vừa qua Nhân đã đậu vào ngành Kinh doanh thương mại, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Hạnh phúc bất ngờ

Nhiều cánh thư như vậy đã gửi về Ban tổ chức chương trình. Có bạn còn phải học trong mái nhà tranh nhà lá xiêu vẹo. Có bạn học với đôi mắt khiếm thị, học với đôi chân vượt hàng chục cây số đến trường. Có bạn học bên giường bệnh của mẹ của cha... Như những con kiến cần mẫn, chịu thương chịu khó, các bạn đã học bằng mọi cách và học giỏi.

Chị Huỳnh Thị Kiều Ly - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn cho biết, có lẽ chính những dòng thư như thế, những hình ảnh như thế đã thôi thúc và nhận được nhiều đồng cảm từ các mạnh thường quân, mới thấy “Tiếp sức đến trường” là một sự trợ sức đúng lúc, cần thiết của nhiều bàn tay, của nhiều tấm lòng để những ước mơ của các bạn trẻ tiếp tục duy trì và bay cao, bay xa… “Nhiều năm qua, chương trình “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên đã là một chiếc cầu nối, chiếc cầu càng ngày càng dài, càng rộng, kết nối đến vạn tấm lòng. Và nhờ vậy, đã có hàng chục nghìn tân sinh viên xứ Quảng đã không phải buồn tiếc vì bỏ lỡ cơ hội bước vào giảng đường đại học” - chị Kiều Ly nói.

Khi Ban tổ chức thông báo được nhận học bổng đợt này, tân sinh viên Lê Văn Nhân chia sẻ rất xúc động và cảm nhận đây quả là một niềm hạnh phúc bất ngờ; nhất là khi các mạnh thường quân dù không quen biết, chưa từng gặp mặt nhưng đã dành cho mình sự quan tâm đặt biệt. “Mình cảm ơn các mạnh thường quân. Mình sẽ vào trường nhập học ngay sau ngày nhận học bổng và quyết tâm học thật tốt, có nghề nghiệp ổn định để không phụ lòng những nhà hảo tâm đã vun vén cho những sinh viên nghèo như mình có cơ hội bước tiếp trên đôi cánh ước mơ của mình” - Lê Văn Nhân nói.

Năm nay, dù học bổng tăng giá trị tặng thưởng lên 10 triệu đồng/suất, song đó cũng chỉ là giọt nước nhỏ để tưới mát cho những mầm tài năng đang vươn lên trên mảnh đất dầu dãi khó nghèo. Chặng đường đại học, cao đẳng là chặng đường đầy cam go, nhọc nhằn mà các tân sinh viên phải tiếp tục vượt qua. Nhưng phía sau học bổng là một cái gì rất lớn, đó là hơi ấm của lòng người, là thêm niềm tự tin ở các bạn, là lực đẩy mạnh mẽ để các bạn có thêm nghị lực bước về phía trước.

AN NHIÊN