Loay hoay phổ cập bơi

XUÂN PHÚ 12/06/2019 15:23

Đề án phổ cập bơi, phòng chống đuối nước sau hơn 3 năm đến nay vẫn chưa thể hoàn thành dự thảo. Vấn đề băn khoăn nhất là giải pháp triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách hay xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và việc quản lý, vận hành hồ bơi.

Phổ cập bơi cho học sinh vẫn chưa được tổ chức bài bản từ tỉnh đến cơ sở mà chỉ là tự phát của các trường. Ảnh: X.P
Phổ cập bơi cho học sinh vẫn chưa được tổ chức bài bản từ tỉnh đến cơ sở mà chỉ là tự phát của các trường. Ảnh: X.P

Điểm sáng Điện Bàn

Cho đến nay, có lẽ Điện Bàn là địa phương duy nhất của tỉnh ban hành chủ trương và có nhiều động thái đầu tư cho công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước. Năm 2009 HĐND thị xã có nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư hồ bơi tại Trung tâm VH-TT thị xã. Trên cơ sở này, năm 2010 hồ bơi có diện tích 375m2 được địa phương đầu tư 2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Việc ra đời hồ bơi đầu tiên trên địa bàn thị xã không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân và tổ chức hoạt động của địa phương, nơi đây còn nhiều lần đăng cai giải bơi tỉnh.

Đến năm 2012, HĐND thị xã Điện Bàn tiếp tục ban hành nghị quyết về phát triển sự nghiệp TD-TT thị xã giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; trong đó, có việc xây dựng 4 hồ bơi nhằm mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em trên địa bàn. Triển khai thực hiện chủ trương này, năm 2013, thị xã đã đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng hồ bơi tại Trường THCS Lê Đình Dương phục vụ nhu cầu tập luyện bơi cho khu vực Gò Nổi và tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi phục vụ cho khu vực phía bắc. Mới nhất là cuối năm 2018, địa phương tiếp tục xây dựng 1 hồ bơi tại xã Điện Thọ có diện tích 250m2 với kinh phí 4 tỷ đồng.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, Điện Bàn còn tổ chức khá tốt công tác phổ cập bơi đối với trẻ em trong độ tuổi. Ban vận động phổ cập bơi thị xã được thành lập với đầy đủ các ngành chức năng, địa phương, trường học. Bên cạnh nguồn ngân sách hàng năm, địa phương còn tích cực vận động tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và đóng góp của phụ huynh. Nhờ đó, hiện Điện Bàn là địa phương hiếm hoi phổ cập bơi cho hầu hết học sinh tiểu học và THCS.

Duy Xuyên cũng là địa phương có sự quan tâm đầu tư cho phổ cập bơi. Khác với cách đầu tư xây dựng hồ bơi cố định hoành tráng như Điện Bàn, huyện Duy Xuyên chỉ phát triển hồ bơi di động đặt tại các trường học. Ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, ngoài 2 hồ bơi do Swim Việt Nam đầu tư và địa phương bố trí vốn đối ứng, còn lại huyện đầu tư thêm 5 hồ bơi tại các trường học để làm công tác dạy, phổ cập bơi cho học sinh từ năm 2017.

Loay hoay đề án

Quảng Nam là tỉnh có đến 125km bờ biển, hệ thống sông hồ chằng chịt và hàng năm thường xuyên chịu lũ lụt, thế nhưng, ngoài Điện Bàn, Duy Xuyên, các địa phương còn lại gần như đều “bỏ rơi” công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ.

Toàn tỉnh có 377 giáo viên thể dục có chuyên môn bơi lội

Sở GD-ĐT cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.020 giáo viên thể dục tại các trường tiểu học, THCS, THPT. Trong số này, chỉ có 8 giáo viên có trình độ chuyên ngành bơi lội (3 đại học, 4 cao đẳng và 1 trung cấp) và 369 giáo viên có chứng chỉ hướng dẫn viên bơi lội sau khi tham gia các lớp tập huấn. Để phổ cập bơi cho trẻ em trong độ tuổi đạt chỉ tiêu 70% vào năm học 2020 - 2021, bên cạnh hồ bơi, thời gian tới cần phát triển thêm đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi. Tuy nhiên, do số lượng trường học tổ chức giảng dạy bơi lội hiện nay chưa nhiều nên thực tế chỉ có 114 giáo viên tham gia dạy bơi tại trường tiểu học và THCS, tập trung tại các địa phương như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Tam Kỳ…

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 46 hồ bơi phục vụ việc phổ cập bơi cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 13 hồ bơi là của Nhà nước, còn lại chủ yếu là của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng nhằm phục vụ vui chơi giải trí, hoạt động kinh doanh.

Riêng ngành GD-ĐT có 22 hồ bơi tại trường học (trong đó 8 hồ do tổ chức Swim Việt Nam tặng) - một con số quá nhỏ so với quy mô 540 trường học toàn tỉnh. Cũng chính vì vậy, việc tổ chức dạy bơi trong học sinh chỉ dừng lại ở những trường có hồ bơi hoặc nơi có điều kiện.

Ông Võ Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở GD-ĐT cho biết, cả tỉnh hiện có 69 trường tổ chức dạy bơi nội khóa và 115 trường dạy ngoại khóa với số lượng học sinh được phổ cập khoảng 63.000 em. Còn hơn 196.000 em, chiếm tỷ lệ hơn 74%, chưa được làm quen kiến thức về bơi, trong khi mục tiêu đến năm 2020 - 2021 có 70% trẻ em trong độ tuổi đạt chuẩn phổ cập bơi.

Rõ ràng phổ cập bơi hiện vẫn được thực hiện theo kiểu tự phát ở các địa phương. Một kế hoạch đầu tư dài hơi, có tầm nhìn chiến lược, quy mô cả tỉnh vẫn chưa được ban hành. Đề án phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em được Sở VH-TT&DL soạn thảo từ năm 2016, sau đó chuyển sang Sở GD-ĐT, song đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Tại cuộc họp góp ý dự thảo đề án do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn nguồn kinh phí khá lớn (xây dựng 102 hồ với kinh phí khoảng 139 tỷ đồng), định hướng đầu tư cơ sở vật chất, mức thu học phí của người học, việc vận hành, bảo quản hồ bơi chưa rõ ràng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh gợi ý các sở tiếp tục nghiên cứu theo hướng Nhà nước đầu tư hồ bơi tại một số trung tâm huyện để thực hiện phổ cập, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng hơn. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và tổ chức giảng dạy, Nhà nước thuê lại sẽ hiệu quả hơn.

XUÂN PHÚ