In dấu một mái trường

MẠC LY 26/03/2019 06:20

Hôm nay 26.3, Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Quế Trung, Nông Sơn) tổ chức đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Nhìn lại hành trình của ngôi trường ở vùng thượng nguồn Thu Bồn này, bao ký ức tràn về trong tôi.

Cơ ngơi khang trang của Trường THCS Phan Châu Trinh, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Ảnh: MẠC LY
Cơ ngơi khang trang của Trường THCS Phan Châu Trinh, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Ảnh: MẠC LY

1. Trường THCS Phan Châu Trinh tiền thân là Trường cấp I, II Quế Trung, đi vào giảng dạy từ năm học 1981 - 1982. Còn nhớ, ngày đầu tiên về nhận nhiệm vụ ở ngôi trường này, đôi mắt tôi ngỡ ngàng vì không tin đó là sự thật. Tôi cứ nghĩ, mình sẽ về dạy ở một ngôi trường lớn, có cửa kính, có mái ngói đỏ tươi như mình đã từng học, chứ đâu ngờ rằng trước mắt mình là một ngôi trường nhỏ bé hình chữ U, mái lá tranh tre đơn sơ. Nước mắt viền mi vì cảm giác hụt hẫng. Bước chân ngập ngừng, bởi tôi chưa muốn bước vào sân trường lúc này.

Bỗng dưng tiếng trống báo hiệu giờ chơi vang lên... Tôi chợt thấy trước mắt mình như một đàn ong vỡ tổ. Từ những “cửa hang” nhà lá, từng đàn bay ra. Thoáng chốc, tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa vui chật kín sân trường. Sự sống của một ngôi trường nghèo vùng thượng nguồn sông Thu bừng dậy bởi âm thanh trong trẻo, chấp chới đủ sắc màu trong sân trường ngập nắng. Cảm giác thất vọng không còn nữa, tôi nghe lòng mình reo vui. Ước mơ làm cô giáo của tôi là đây, tại sao tôi còn đắn đo khi bước vào ngôi trường nhỏ? Tôi nghe từng bước chân của mình in hình trên đất. Những cặp mắt tròn xoe, đen láy cứ nhìn cô giáo như gửi gắm tin yêu, giúp tôi tự tin hơn, bước hẳn vào sân trường.

2. Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề dạy học, bây giờ tôi không còn đứng trên bục giảng, nhưng trong tôi vẫn in dấu một mái trường. Tôi nhớ về những tháng năm gian khổ thời bao cấp cứ bám sát gót chân học trò và thầy cô giáo. Nhưng những mái đầu khét nắng, hôi mùi chăn trâu, vẫn miệt mài đi tìm cái chữ. Và thầy cô vẫn tận tụy với sự nghiệp trồng người mà xã hội tôn vinh.

Một mái trường mà khi trời nắng, có những hạt vàng len lỏi, nhảy nhót trên bàn học sinh, rồi giỡn đùa với mái tóc rối bời chưa kịp chải. Còn cơn mưa bất chợt đầu mùa ào về, làm lời giảng của thầy cô phải dừng lại nửa chừng. Học trò tự ý dời chỗ ngồi của về bàn khác, vì bàn mình đã bị dột ướt hết. Phòng học không có cửa nên có khi hứng trọn cơn gió tạt mạnh mang theo mưa, ướt nhem. Để việc học không bị gián đoạn, phụ huynh hội ý lợp lại mái lá lành lặn cho kịp mùa đông. Học sinh học buổi mai không bị bỏ tiết, chớ học buổi chiều, khi cơn mưa về sớm, thì chỉ có lời giảng của thầy rót vào lòng học sinh, chứ bảng đen, phấn trắng không còn hiệu lực.

Đó là chưa nói đến chuyện sống trên miền sông nước nên đám học trò lút chút phải nghỉ học thường xuyên vì nước sông lớn, con đường đến trường bị ngập nặng. Mùa mưa, học sinh nghỉ học một đến hai tuần là thường. Học như cóc nhảy vậy đó, nhưng sau ngày nghỉ lụt, cả thầy và trò tất bật chạy đua cùng thời gian, dạy bù, học bù trái buổi, dạy luôn ngày Chủ nhật để đuổi kịp chương trình thi học kỳ 1. Một điều thật lạ lùng là ngày ấy học trò không cần học thêm gì cả mà chúng vẫn cứ giỏi. Thầy cô không la mắng mà chúng vẫn cứ hiền ngoan. Đó là niềm khích lệ rất lớn để thầy cô quên bản thân mình dạy dỗ cho học sinh.

3. Tôi là một trong những trường hợp ngoại lệ, không luân chuyển công tác, gắn bó với mái trường này suốt cuộc đời mình. Tôi cần mẫn, miệt mài làm người chở chữ qua sông, là chứng nhân dõi theo mái trường lớn dần cùng năm tháng. Biết bao kỷ niệm vui buồn, kể cả những giọt nước mắt dành cho học trò năm nào, sao chừ vẫn còn nghe mằn mặn trên môi. Kể cả giọt nước mắt dành cho đồng nghiệp khi họ rời khỏi “quán trọ trần gian” không một lời từ biệt. Rồi những cuộc chia tay bịn rịn tiễn thầy cô về phố thị… Dẫu thầy cô làm nghề gì để tìm miếng cơm manh áo, thì tôi tin, ký ức một thời của đời giáo vẫn không bao giờ nhòa phai, họ sẽ luôn giữ trong tim lấp lánh tình người và hình ảnh đẹp đẽ của một mái trường.

Cũng như dòng sông Thu, mỗi năm bên lở, bên bồi, nhưng con nước theo thời gian vẫn cứ xuôi dòng, Trường cấp II Quế Trung có khi tách khỏi trường cấp I, có khi được nhập chung với trường cấp III và rồi được tái lập trường THCS. Nhưng dẫu thay đổi thế nào, các thế hệ giáo viên của trường vẫn luôn nỗ lực hết mình cho việc dạy và học đạt chất lượng. Bằng chứng cụ thể hơn là nhiều thế hệ học sinh nơi đây đã đạt các giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đậu vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Tam Kỳ. Những hạt giống mà thầy cô nhà trường ươm mầm đã đâm chồi, phát triển khắp nơi…

Ngôi trường mái lá ngày nào đã thay da, đổi thịt. Để đến hôm nay, ngôi trường mang tên chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh được xây dựng rộng hơn, kiên cố hơn với hai tầng, cửa kính khang trang, có đầy đủ phòng bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học…, được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Thành quả này sẽ là nền tảng thêm vững chắc để học sinh nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, khả năng sáng tạo trong học tập của mình. Và để xứng đáng là ngọn cờ đầu trong phong trào học tập của huyện Nông Sơn.

MẠC LY

MẠC LY