Xây dựng trường chuẩn ở Hiệp Đức
Những năm qua, huyện Hiệp Đức đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của ngành giáo dục, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học của các trường để đạt chuẩn.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám được đầu tư nhiều thiết bị dạy và học. Ảnh: PHAN VINH |
Vượt khó
Năm 2012, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Tân An, Hiệp Đức) được công nhận là trường đạt chuẩn mức độ 1. Và đến nay, dù điều kiện có tốt hơn trước nhưng trường Tiểu học Lê Văn Tám vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, đội ngũ còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên đứng lớp chỉ đạt 1,35 trong khi để đáp ứng tiêu chuẩn và số lượng phòng học thì tỷ lệ này phải trên 1,5. Điều này kéo theo các môn năng khiếu như âm nhạc, tin học, ngoại ngữ không đủ giáo viên. Ông Mai Văn Cưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết, sau khi được công nhận đạt chuẩn mức độ 1, nhà trường đã có kế hoạch tham mưu cấp trên về việc triển khai đầu tư, xây dựng để trường đạt chuẩn mức độ 2.
Năm 2013, HĐND huyện Hiệp Đức ban hành Nghị quyết số 33 có đề cập việc xây dựng Trường Tiểu học Lê Văn Tám đạt chuẩn mức độ 2 giai đoạn 2015 - 2016. Sau đó, trường được đầu tư xây dựng nhà đa năng, phòng giáo viên, phòng y tế và các phòng chuyên môn như tin học, ngoại ngữ, âm nhạc. Điểm trường ở thôn 2, xã Hiệp Hòa cũng được đầu tư phòng tin học, bố trí 23 máy vi tính. “Có được cơ sở vật chất, nhà trường được phụ huynh học sinh tin tưởng, chung tay xây dựng. Chúng tôi kêu gọi xã hội hóa hợp đồng thêm giáo viên dạy tiếng Anh để đảm bảo số giáo viên đứng lớp. Đến nay, 100% lớp đều được học môn tiếng Anh. Và năm 2017, trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn mức độ 2” - ông Cưu cho biết thêm.
Tiếp tục phấn đấu
Ông Mai Văn Cưu thông tin thêm, từ khi Trường Tiểu học Lê Văn Tám được công nhận đạt chuẩn mức độ 2, chất lượng giảng dạy của giáo viên cho học sinh được nâng cao hơn. Học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi do tỉnh tổ chức đều có giải cao ở các bộ môn tiếng Anh và năng khiếu âm nhạc. “Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn băn khoăn về việc bố trí cán bộ ở phòng y tế. Trước đây, chúng tôi đã ký hợp đồng với một cá nhân nhưng sau đó bị vướng cơ chế tài chính nên hợp đồng đã chấm dứt từ cuối năm 2018. Làm công tác y tế cần phải có chuyên môn nên không thể tuyển người kiêm nhiệm, rất mong cấp trên quan tâm hơn. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu giữ chuẩn và nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa trong thời gian tới” - ông Cưu nói.
Trường Mầm non Măng Non (thị trấn Tân An) cũng có sự bức phá hơn để đạt chuẩn mức độ 2 vào tháng 5.2018. Bà Võ Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non cho biết, đến nay, nhà trường đã có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 68% giáo viên trên chuẩn. Nhà trường đã lắp đặt camera như những trường mầm non ở thành thị để tạo sự tin tưởng trong phụ huynh. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trước đây là 5,8% đến nay cũng đã giảm rất thấp, chỉ còn 2,5%. “Những ưu điểm này cũng tạo ra áp lực lớn với trường vì phụ huynh ở xa cũng mong muốn được gửi trẻ tại đây. Chúng tôi hy vọng thời gian tới tiếp tục được huyện đầu tư hơn nữa, vì ngoài những hạng mục có thể xã hội hóa, vẫn còn nhiều trang thiết bị dạy học mà nhà trường đang rất cần được đầu tư” - bà Tâm cho biết thêm.
Ông Phạm Văn Rực - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hiệp Đức cho biết, từ năm 2013 đến nay, tổng kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn trên địa bàn huyện Hiệp Đức gần 39 tỷ đồng. Trong đó, huyện 31 tỷ đồng, xã 5 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa và các nguồn khác là 3 tỷ đồng. “Giai đoạn 2016 - 2018, huyện Hiệp Đức có 6 trường đạt chuẩn, trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2. Chúng tôi còn 10 trường chưa đạt chuẩn và mong muốn cấp trên tiếp tục phê duyệt, phân bổ kinh phí để đầu tư. Khi được công nhận đạt chuẩn, tâm thế của giáo viên, học sinh và phụ huynh rất phấn khởi, từ đó, chất lượng dạy và học cũng được đảm bảo, nâng cao trình độ dân trí địa phương và tạo nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội trong tương lai” - ông Rực nói.
PHAN VINH