Phân luồng học sinh sau THCS: Cần giải pháp căn cơ về giáo dục nghề nghiệp

XUÂN PHÚ 12/12/2018 02:35

Kế hoạch phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS đang tạo ra nhiều băn khoăn về nguy cơ thất học, thậm chí lo ngại tệ nạn xã hội có thể xảy ra với các em khi mà giáo dục nghề nghiệp hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.

Học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: X.P
Học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: X.P

Không “mê”  học nghề

Từ năm học 2017 - 2018, công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS được quan tâm hơn. Theo đó, tuyển sinh vào lớp 10 công lập các huyện miền núi cũng như đồng bằng, tất cả đều đồng chỉ tiêu là 90% số HS tốt nghiệp (thay vì trước đó 100% và 95%). Năm học 2018 - 2019, công tác phân luồng tiếp tục được “nâng lên một bước”, thể hiện qua việc giảm thêm 5% chỉ tiêu tuyển sinh, cả tỉnh chỉ còn là 85% số HS đăng ký. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ tuyển sinh so với số tốt nghiệp THCS theo báo cáo của Sở GD-ĐT chỉ đạt 81,4%; do có đến 1.000 em không nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào lớp 10.

Để đáp ứng nhu cầu học tập của HS khi thực hiện phân luồng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo phù hợp; đồng thời đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn và quảng bá nhằm thu hút người học. Ngoài ra, một số chính sách khuyến khích người học như được miễn 100% học phí toàn khóa học, bố trí nơi ăn ở tại ký túc xá, vừa học nghề vừa học văn hóa nhằm tạo điều kiện cho các em có mong muốn tiếp tục học THPT… Nhờ đó, lần đầu tiên một số đơn vị như Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam hay Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam đã thu hút được số lượng lên đến vài trăm HS tốt nghiệp THCS vào học nghề. Vừa phục vụ yêu cầu đào tạo nghề cho xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn giải quyết câu chuyện việc làm cũng như bài toán kinh tế cho đơn vị.

Dù vậy, thực tế số lượng HS theo học nghề so với con số không vào trường THPT hiện nay khá ít. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tỷ lệ HS phân luồng sau THCS nhập học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp những năm qua đạt dưới 5%. Có nhiều nguyên nhân khiến cho người học không mê học nghề, trong đó nguyên nhân chính là chương trình, ngành nghề đào tạo của các trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, chất lượng đào tạo thấp, thiếu thực tiễn. Trong khi đó, các doanh nghiệp không “mặn mà” sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi khiến cho cơ hội việc làm của người học không nhiều.

Băn khoăn và lo ngại

Trong 2 năm qua, việc phân luồng được triển khai theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11 (ngày 25.4.2017) của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh xây dựng lại kế hoạch phân luồng HS sau THCS theo Quyết định 522 (ngày 14.5.2018) của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, theo kế hoạch này sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập theo hướng kéo giảm hơn nữa nhằm đẩy mạnh phân luồng. Cụ thể, ngay trong tuyển sinh năm học tới 2019 - 2020 sẽ giảm chỉ tiêu xuống 75% đối với thành phố, thị xã, huyện đồng bằng và 80% đối với 9 huyện miền núi (kế hoạch cũ 85% cả tỉnh) và tiếp tục giảm sâu nữa vào năm học 2020 - 2021 để rồi đến năm học 2025 - 2026, chỉ tiêu chỉ còn 60% đối với thành phố, thị xã, huyện đồng bằng và là 65% đối với 9 huyện miền núi (kế hoạch cũ là 70% cả tỉnh).

Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay tỷ lệ phân luồng vẫn còn khiêm tốn song thực tế số lượng HS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khá thấp. Vì vậy, nếu đẩy mạnh phân luồng chỉ có 60% vào học lớp 10 công lập vào năm học 2025 - 2026 thì không biết 40% còn lại sẽ đi đâu, về đâu? “Sở GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch để tham mưu cho UBND tỉnh. Nhưng nói thật là chúng tôi đang lo ngại liệu hệ thống trường nghề trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu học tập, chất lượng đào tạo nghề có đảm bảo. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng các em còn nhỏ không đi học làm tăng nguy cơ xảy ra tệ nạn xã hội” - ông Thành bày tỏ.

Chia sẻ về kế hoạch chỉ tiêu này, bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết “rất băn khoăn và lo lắng” về câu chuyện đằng sau của công tác phân luồng. “Bảo các em đi học nghề nhưng trường nghề ở đâu, học nghề gì khi mà trên địa bàn tỉnh hiện nay các cơ sở dạy nghề không thể đáp ứng, nhất là các em HS nữ. Mới học xong lớp 9, nếu học nghề chỉ có học may công nghiệp 3 tháng là phù hợp nhất. Mà các em mới 16 tuổi, ai nhận?” - bà Lộc nêu ví dụ. Cũng theo bà Lộc, không thể xây dựng chính sách phân luồng HS mà không tính đến câu chuyện học nghề. Nếu không, vô hình trung chúng ta đã tước đoạt quyền được học tập của con em. Trong khi đó, theo Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Nguyễn Công Thanh, phân luồng không thể là “cộng, trừ, nhân, chia theo chỉ tiêu để rồi đẩy các em HS ra ngoài xã hội”.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ