Học sinh người dân tộc thiểu số thuộc diện không được hưởng chính sách của Trung ương: Cần có chính sách của tỉnh
Học sinh (HS) người dân tộc thiểu số đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không hưởng chính sách hỗ trợ nào của Trung ương sẽ được hỗ trợ bằng chính sách của tỉnh. Đó là nội dung của đề án do Sở GD-ĐT soạn thảo dự kiến sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới.
Cần có chính sách hỗ trợ của tỉnh để giúp cải thiện bữa ăn cho HS miền núi. Ảnh: X,P |
Bỏ học vì không còn chế độ hỗ trợ
Thời điểm 2017 trở về trước, HS người dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học tập của Trung ương, tỉnh. Cụ thể, về chính sách của Trung ương có Quyết định 85 (21.12.2010), Quyết định 12 (24.1.2013) của Thủ tướng Chính phủ; sau đó là Nghị định 116 (18.7.2016) của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài chính sách theo quy định của Trung ương, tỉnh cũng có chế độ hỗ trợ thêm cho HS qua Quyết định 15 (23.7.2010) quy định chính sách, chế độ đối với HS thuộc khu vực II chương trình 135, HS dân tộc thiểu số; theo đó mỗi HS được trợ cấp tiền ăn 100.000 đồng/tháng, tiền học phẩm 40.000 đồng/năm. Tổng kinh phí thực hiện chính sách theo Quyết định 15 của tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2015 là hơn 69 tỷ đồng, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, nâng cao chất lượng giáo dục.
Dự thảo đề án còn có chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm học bổng bằng 100% mức lương sơ sở/tháng, tiền đi lại 200 - 300 nghìn đồng/năm. |
Tuy nhiên, sau khi Quyết định 582 (28.4.2017) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số ban hành, đã có hơn 1.000 HS các cấp tiểu học, THCS, THPT không còn hưởng chế độ theo Nghị định 116. Trước đó, từ tháng 3.2016 Quyết định 15 của tỉnh cũng đã hết hiệu lực. Điều đáng quan tâm là, đang từ trạng thái được hưởng chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh chuyển sang bị cắt cả hai, gần như ngay lập tức, tình trạng HS ở miền núi bỏ học gia tăng nhanh chóng khiến cho ngành GD-ĐT cũng như các địa phương đau đầu. Báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết, thời điểm năm học 2015 - 2016 chỉ có 442 HS người dân tộc thiểu số bỏ học thì sang năm học 2016 - 2017 tăng vọt lên hơn 1.000 em và năm học 2017 - 2018 cũng với số lượng tương tự.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ cho HS, đồng thời chỉ đạo các địa phương có biện pháp huy động từ nhiều nguồn để chia sẻ với gia đình chăm lo cho các em ăn học. Riêng huyện Tây Giang trích nguồn ngân sách huyện và từ nguồn quỹ Ươm mầm tài năng Tây Giang mỗi năm gần cả tỷ đồng để hỗ trợ. Tuy nhiên, có thể thấy đây là biện pháp “chữa cháy” nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, chống tình trạng bỏ học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục miền núi; còn về lâu dài, rất cần có chính sách căn cơ, bền vững.
Không để sót đối tượng
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ý tưởng xây dựng đề án chính sách hỗ trợ cho HS người dân tộc thiểu số có từ khi Quyết định 15 của tỉnh hết hiệu lực. Thêm vào đó, sau khi Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhiều HS không còn được hưởng chính sách theo Nghị định 116 làm gia tăng tình trạng bỏ học, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục vùng núi. Dù vậy, sau rất nhiều lần soạn thảo và được các ngành góp ý, đến nay đề án mới hoàn thiện trình UBND và HĐND tỉnh xem xét. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong tổng số gần 35.900 HS là người dân tộc thiểu số đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, có hơn 24.600 trường hợp đang được hưởng chế độ chính sách của Trung ương; còn đến hơn 13.200 trường hợp thuộc diện cần quan tâm nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách. Trong đó, có hơn 12.500 HS tiểu học, THCS, THPT không được hưởng chính sách theo Nghị định 116 và hơn 700 HS mầm non không hưởng chính sách theo Nghị định 06 (5.1.2018) của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo.
Theo ông Thành, để giúp HS là người dân tộc thiểu số có điều kiện ăn học, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, khi mà các em không được hưởng chính sách của Trung ương thì cần thiết phải có chính sách hỗ trợ của tỉnh. Theo dự thảo đề án, HS phổ thông sẽ được hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở/tháng, chi phí học tập 120.000 đồng/năm; HS mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/tháng. Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, chính sách theo dự thảo đề án này không trùng lắp với các chính sách khác dành cho HS người dân tộc thiểu số đang được hưởng, góp phần giúp các em có điều kiện tốt hơn để ăn học, nâng cao chất lượng giáo dục.
XUÂN PHÚ