Dạy võ cổ truyền trong trường học
Phong trào học các môn võ thuật như võ cổ truyền, karatedo, taekwondo, vovinam... đang phát triển mạnh tại các trường học của Tam Kỳ, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Học sinh tiểu học của Tam Kỳ biểu diễn võ cổ truyền. Ảnh: T.X |
Võ cổ truyền là bộ môn phổ thông hiện nay tại tất cả trường học của thành phố Tam Kỳ. Từ năm học 2016 - 2017, môn học này được đưa vào các tiết học giáo dục thể chất. Đối với cấp tiểu học, triển khai dạy bộ môn võ cổ truyền cho học sinh lớp 4, 5. Các em được học bộ môn này trong 5 - 10 phút đầu của tiết học với những động tác khởi động. Riêng đối với học sinh THCS trở thành môn tự chọn chính khóa với 12 tiết học/năm. Dù là một bộ môn hoàn toàn mới lại có yêu cầu cao nhưng tất cả học sinh tham gia đều rất hứng thú, không chỉ học trong trường mà một số em còn ham mê, tìm học ở các lớp dạy võ ngoài trường học. Em Tống Thục Khuê (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) đã có 3 năm học võ Vovinam, cho biết: “Bài học đầu tiên thầy dạy em là học võ chỉ để tự vệ, để bảo vệ người yếu thế chứ không dùng để đánh nhau”. Đó cũng là mục đích hàng đầu của việc dạy võ trong trường học, là dạy đạo đức cho các em, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ người khác. Em Huỳnh Phi Anh (học sinh lớp 9, Trường THCS Lý Thường Kiệt, thành viên của CLB võ Taekwondo của trường) cho biết, bản thân em ngoài học môn võ Taekwondo còn có 4 năm học võ cổ truyền. “Lúc đầu học võ cũng khó nhưng em rèn luyện lâu ngày nên quen và dần yêu thích võ. Học võ em thấy mình khỏe mạnh hơn mà tính tình cũng chín chắn, tự tin hơn”.
Hiện nay, học sinh tiểu học ở Tam Kỳ được học 27 động tác, học sinh THCS học 36 động tác bài quyền cơ bản công pháp của võ cổ truyền. Từ những bài học cơ bản của võ cổ truyền, 100% trường tiểu học và THCS tại Tam Kỳ đã tuyển chọn được đội hình có tố chất để thành lập CLB võ cổ truyền. Đặc biệt, để khuyến khích phong trào học võ cổ truyền, 2 năm nay, Phòng GD-ĐT thành phố tổ chức thi biểu diễn giữa các CLB võ cổ truyền trường học. Chất lượng biểu diễn tại cuộc thi năm nay cao hơn năm ngoái. Điều này chứng tỏ môn võ cổ truyền ngày càng phát triển tại các trường học và khuyến khích được nhiều học sinh tham gia. Cùng với nhiều võ sư của Hội Võ cổ truyền Quảng Nam tham gia trọng tài tại hội thi CLB võ cổ truyền học sinh Tam Kỳ vừa diễn ra, ông Trần Hữu Ngữ - Chủ tịch Hội cho biết: “Tôi rất vui khi Tam Kỳ phát triển được võ cổ truyền trong trường học. Cũng như các môn võ khác khi đưa vào giáo dục cho học sinh sẽ có tác dụng rèn luyện thể lực, rèn luyện tính tình cho các em. Trong thời gian tới, nếu cần chúng tôi sẽ có những đợt huấn luyện cho giáo viên giáo dục thể chất ở các trường học của Tam Kỳ để góp phần nâng cao chất lượng môn học này”.
Để đáp ứng yêu cầu dạy võ trong trường học, hằng năm, phòng GD-ĐT thành phố cử giáo viên giáo dục thể chất ở một số trường tham gia bồi dưỡng huấn luyện ở tỉnh, sau đó đội ngũ này sẽ tập huấn lại cho toàn bộ giáo viên thể chất của các trường. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD-ĐT về giáo dục thể chất và thể thao trường học, trong đó có dạy môn võ, các trường đều đảm bảo thực hiện đúng nội dung và giờ dạy. Tuy nhiên, ở mỗi trường của Tam Kỳ cũng có những cách làm mới để nâng cao chất lượng dạy võ trong trường học như dạy thêm cho các em có năng khiếu, dạy thêm vào những giờ cuối buổi học. Và khác với các bộ môn khác, bộ môn này lại được học sinh yêu thích và tự nguyện tham gia.
Hiện nay, tại Tam Kỳ bên cạnh 14 CLB võ cổ truyền ở trường tiểu học và 10 CLB võ cổ truyền ở trường THCS, có 4 trường được tỉnh chọn thí điểm đưa thể thao vào trường học. Trong đó, Trường THCS Lý Thường Kiệt với môn Taekwondo và Trường THCS Lê Hồng Phong với môn Karatedo. Trực tiếp giảng dạy là giáo viên của trường năng khiếu Quảng Nam. Số lượng học sinh tham gia ổn định 60 em/2 lớp/ năm học. Sau một thời gian học, các em học sinh được thi lên đai.
Võ cổ truyền hay một số môn võ khác khi đưa vào trường học đều được dạy có định hướng cụ thể để học sinh rèn luyện sức khỏe một cách đơn giản nhất và rèn luyện đạo đức theo tinh thần thượng võ.
THANH XUÂN