Điểm sáng xây dựng trường chuẩn
Nhờ thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là chủ động sắp xếp trường, lớp để thuận lợi cho việc đầu tư các nguồn lực, huyện Hiệp Đức đã trở thành điểm sáng trong xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Trường Mầm non Măng Non là trường đầu tiên của miền núi đạt chuẩn mức 2. Ảnh: X.P |
Điển hình
Trường Mầm non Măng Non của thị trấn Tân An thành lập năm 1991 và được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2009. Tuy nhiên, xác định trường nằm ở địa bàn thị trấn có điều kiện phát triển hơn nữa để nâng chuẩn nên năm 2017 huyện Hiệp Đức quyết định đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây mới cơ sở vật chất khang trang. Sau khi hoàn thành, trường đã được Sở GD-ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 5.2018. Cô Võ Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đang đảm nhận giảng dạy cho hơn 300 học sinh mầm non của thị trấn Tân An. Nhờ huyện đầu tư phòng ốc khang trang, trang thiết bị phục vụ dạy học khá đầy đủ giúp nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, dạy dỗ và được công nhận đạt chuẩn mức 2. “Với kết quả này, nhà trường vinh dự trở thành đơn vị đầu tiên của bậc học mầm non các huyện miền núi đạt chuẩn quốc gia mức độ 2” - cô Tâm chia sẻ.
Không chỉ có Trường Mầm non Măng Non, trên địa bàn Hiệp Đức hiện có nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và cả mức độ 2. Ông Phạm Văn Rực - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, từ năm 2013 đến nay đã có 2 nghị quyết của HĐND huyện về đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia (Nghị quyết 33 năm 2013 và Nghị quyết 60 vào năm 2015). Trên cơ sở này, trong 5 năm qua, dù điều kiện ngân sách còn khó khăn song Hiệp Đức đã quan tâm đầu tư khoảng 37 tỷ đồng cho công tác xây dựng trường chuẩn. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 14 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó đáng chú ý có 4 trường đạt chuẩn mức 2 gồm Mầm non Măng Non và 3 trường tiểu học là Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Lê Văn Tám. Không chỉ trở thành điểm sáng của miền núi, số lượng trường chuẩn mức 2 của huyện Hiệp Đức hiện nay còn vượt cả một số địa phương đồng bằng.
Bản lề cho thành công
Bên cạnh đề án trường chuẩn giúp địa phương có điều kiện đầu tư nguồn lực khá lớn, sự nỗ lực của ngành và hưởng ứng tích cực của các bậc phụ huynh thì việc đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, trong đó chủ trương sắp xếp trường lớp theo hướng tinh gọn, hiệu quả được coi là bản lề cho thành công trong xây dựng trường chuẩn của Hiệp Đức thời gian qua. Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, cùng với việc triển khai xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông được đầu tư thuận lợi cho việc đi lại của người dân, năm 2015 UBND huyện đã ban hành Đề án 79 (8.6.2015) về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2015 - 2020. Từng năm học, địa phương tổ chức thực hiện việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp nhằm từng bước giảm dần điểm trường lẻ, lớp ghép để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng. Đồng thời địa phương cũng có điều kiện để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường, đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo đó, trong các năm 2016 và 2017, một số trường học đã được sáp nhập, nhiều điểm trường lẻ được xóa, đưa các em học sinh về học tập trung tại điểm trường chính khang trang hơn để có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, địa phương cũng đã sáp nhập 4 trường tiểu học thành 2 trường theo địa bàn cùng xã; trong đó sáp nhập trường Lý Tự Trọng và Nguyễn Thị Minh Khai thuộc xã Bình Lâm, trường Trần Quốc Toản và Kim Đồng thuộc xã Quế Thọ.
Với 12 xã, thị trấn, hiện huyện Hiệp Đức có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 3 trường THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và 5 trường liên cấp tiểu học - THCS (ở các xã Bình Sơn, Thăng Phước, Quế Lưu, Quế Bình, Hiệp Hòa), trở thành một trong những địa phương có quy mô trường học tinh gọn nhất tỉnh. Ông Phạm Văn Rực nói, việc sắp xếp tinh gọn mạng lưới trường lớp thời gian qua vẫn không ảnh hưởng đến nhu cầu, chất lượng học tập cũng như việc đi lại của HS, nhận được sự đồng thuận của phụ huynh trên địa bàn huyện. Tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi học 2 buổi/ngày của huyện những năm qua vẫn đạt 100%; trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt gần 87%, trong đó 5 tuổi đạt 100%. Ở bậc tiểu học, học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, có hơn 62% học sinh được học 2 buổi/ngày. “Đề án 79 của huyện đã giúp cho ngành sắp xếp mạng lưới trường lớp hợp lý, đảm bảo yêu cầu dạy học và đặc biệt góp phần rất lớn vào công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Và theo lộ trình, năm 2019 - 2020 huyện sẽ tập trung xây dựng thêm 3 trường đạt chuẩn mức 1, gồm Mẫu giáo Bình Minh, 2 trường liên cấp tiểu học - THCS Nguyễn Trãi và Lý Thường Kiệt” - ông Rực cho hay.
XUÂN PHÚ