Rèn tính tự lập cho học sinh

CHÂU NỮ 02/11/2018 07:08

Các trường học trong tỉnh hướng dẫn học sinh làm việc nhỏ, phù hợp lứa tuổi như dọn vệ sinh, gấp chăn mền, chăm sóc vườn rau, cùng các cô cấp dưỡng chia phần ăn trong bữa ăn bán trú... đã góp phần rèn tính tự lập cho các em.

Rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh qua bữa tiệc buffet ở trường. Ảnh: C.N
Rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh qua bữa tiệc buffet ở trường. Ảnh: C.N

Với quy mô gia đình nhỏ, ít con, tâm lý chung của cha mẹ là cưng chiều con cái, ít để con làm việc nhà, thế nhưng lại mong muốn con mình được giáo dục kỹ năng tự lập ở trường. Tuy nhiên, để tạo cho học sinh tính tự lập theo phương châm “học đi đôi với hành”, bên cạnh sự giáo dục của nhà trường, còn phải có sự giáo dục từ gia đình. Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (TP.Tam Kỳ) nói: “Con mình học lớp 6 mà chưa biết cầm chổi quét nhà. Mỗi khi cha mẹ nhờ làm việc nhà thì  lại bảo con bận học. Nếu nhà trường lồng ghép giáo dục tính tự lập cho học sinh trong các hoạt động dạy và học ở trường thì cần thiết và quá tốt”. Nhiều phụ huynh khác cũng mong muốn con em họ được rèn và rèn được nhiều kỹ năng tự lập như chị Nguyệt.

Các trường học trong tỉnh có cách hướng dẫn học sinh thực hiện các hành vi về nếp sống phù hợp với từng lứa tuổi. Cô Hồ Kha Dạ Thảo - Tổng phụ trách Trường THCS Trần Phú (Phú Ninh) cho biết, mỗi lớp học của trường đều được phân công làm vệ sinh chung và quán xuyến nền nếp. Riêng việc tự vệ sinh lớp và tưới cây theo từng khu vực đã được phân công thì học sinh thay phiên nhau làm đều đặn hàng ngày.

Học sinh chăm sóc hoa, cây cảnh trước phòng học.  Ảnh C.N
Học sinh chăm sóc hoa, cây cảnh trước phòng học. Ảnh C.N

Trước đây, việc vệ sinh lớp học đều do phụ huynh góp tiền thuê người quét dọn; cây xanh trong sân trường cũng thuê người chăm sóc; học sinh đến lớp chỉ có việc học. Nay, nhiều trường đã giao việc này cho học sinh thực hiện. Cô Bùi Thị Diễm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ) chia sẻ, nhà trường đề xuất cho học sinh tự quét dọn vệ sinh lớp học nhận được sự đồng thuận của nhiều cha mẹ học sinh. Và để học sinh làm tốt việc này, nhà trường cũng đã mua sắm chổi, ki đựng rác nhỏ, phù hợp với lứa tuổi học sinh... Trong khi đó, ở bậc mầm non, trẻ luôn được rèn luyện kỹ năng tự lập qua các hoạt động ở lớp. Tổ chức tiệc buffet định kỳ hàng tháng như các trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh đã làm, bên cạnh tạo niềm vui, hứng thú cho các cháu, còn là cách để giáo dục học sinh kỹ năng tự phục vụ, tự sửa soạn bữa ăn.

Trường TH Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ) là một trong những trường tổ chức cho học sinh nhiều kỹ năng tự phục vụ như vệ sinh, thu dọn đồ dùng ăn uống, sắp xếp gối, mền, khăn. Nhà trường phát cho mỗi lớp một túi đựng rác thân thiện với môi trường và hướng dẫn học sinh bỏ rác vào giỏ, tự đi đổ rác; ngoài ra còn hướng dẫn cho các em từ những việc nhỏ như để đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt chung và sinh hoạt cá nhân ngay ngắn. Trường TH Lê Thị Hồng Gấm cũng giáo dục học sinh kỹ năng tự lập thông qua các cuộc thi nhặt rau giúp mẹ, tết tóc đẹp, gấp chăn mền khéo... vào các dịp 20.10, 22.12. Hay như ở Trường TH Phạm Phú Thứ (Nông Sơn), các em học sinh cũng được  hướng dẫn làm những việc nhỏ, mang tính tự lập, vừa với sức mình như phân công mỗi lớp làm vệ sinh sân trường mỗi ngày, chăm sóc công trình măng non. Cô Đặng Thị Thiên Thu - Tổng phụ trách của trường, nhận xét: “Học sinh thực hiện những việc này khá tốt. Từ đó, ý thức trách nhiệm, tinh thần tập thể của học sinh cũng tăng lên. Chẳng hạn từ việc nhỏ như chăm sóc bồn hoa, sẽ giúp học sinh yêu thiên nhiên”.

Phụ huynh em Nguyễn Thị Phương Hiền (lớp 4/7 Trường TH Võ Thị Sáu, Tam Kỳ) cho biết, từ khi con chị được phân công phụ giúp cô cấp dưỡng, dọn cơm, chia phần ăn bán trú ở trường, về nhà cháu cũng biết phụ ba mẹ chuẩn bị bữa ăn. Còn chị Nguyễn Thị Lệ Mai, phụ huynh Trường TH Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ) cho biết, từ những việc nhỏ làm được ở trường, về nhà con chị đã thể hiện được tính tự lập, biết nhặt rau giúp mẹ hay tự chăm sóc bản thân.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ