Vào học trường THPT chuyên: Nhờ chính sách hay vì chất lượng?

XUÂN PHÚ 31/10/2018 02:19

Đó là câu hỏi được đặt ra trước các đề xuất tăng mức hỗ trợ cho học sinh (HS) của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và THPT chuyên Lê Thánh Tông.

Học sinh trường THPT chuyên được hỗ trợ hằng tháng và học bổng tùy theo kết quả học tập. Ảnh: X.P
Học sinh trường THPT chuyên được hỗ trợ hằng tháng và học bổng tùy theo kết quả học tập. Ảnh: X.P

Nhiều ưu điểm, lắm bất cập

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 31 (8.12.2016) HĐND tỉnh về quy định một số chính sách đối với HS và giáo viên (GV) các trường THPT chuyên từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, theo đánh giá của ban giám hiệu 2 trường chuyên, so với Nghị quyết 12 trước đó thì lần này đã xóa bỏ trình trạng cào bằng về chế độ hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên. Từ đó, tạo động lực cho HS nỗ lực hơn trong học tập và rèn luyện theo hướng “em nào học giỏi hơn sẽ được hỗ trợ cao hơn”. Tương tự, GV dạy ở trường chuyên cũng được hưởng chế độ đãi ngộ tùy theo thành tích đạt được trong công tác bồi dưỡng HS giỏi. Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Chính sách hỗ trợ đã tạo nên cú hích trong phong trào thi đua dạy tốt và học tốt của nhà trường, giúp chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực”. Chỉ tính riêng tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2018, HS 2 trường THPT chuyên đạt 30 trong tổng số 31 giải và chất lượng tăng lên đáng kể với 11 giải nhì, 4 giải ba, dẫn đầu các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, lần đầu tiên Quảng Nam có 4 em được chọn tham gia đội tuyển dự thi Olympic quốc tế.

Theo Nghị quyết 31, chế độ hỗ trợ học tập hằng tháng đối với HS bằng 30% mức lương cơ sở. Ngoài ra, tùy theo kết quả học tập sẽ được cấp học bổng hằng tháng bằng 3 lần hoặc 5 lần mức thu học phí/tháng. Riêng HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, người đồng bào dân tộc thiểu số, con thương binh, liệt sĩ, HS khuyết tật được hỗ trợ học tập hằng tháng bằng 100% mức lương cơ sở.

Tuy nhiên, theo 2 trường chuyên, chính sách đối với HS và GV theo Nghị quyết 31 vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông - thầy Lê Thành Vinh cho rằng, mức hỗ trợ chi phí học tập và học bổng còn thấp nên chưa có sức hút mạnh mẽ, nhất là HS nghèo học giỏi ở các vùng nông thôn. Những em đạt giải HS giỏi quốc gia, được Bộ GD-ĐT chọn vào vòng 2 dự thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế cũng chưa có chính sách khen thưởng, hỗ trợ. Liên quan đến đội ngũ, thầy Chương cho biết, thực hiện chính sách thu hút theo Nghị quyết 31, năm học 2017 - 2018 nhà trường đã thỉnh giảng 4 GV nguyên là cựu HS của trường, tốt nghiệp đại học sư phạm xuất sắc. Thế nhưng, đến nay tất cả 4 người vẫn chưa được tuyển dụng.

Chính sách hỗ trợ hay chất lượng?

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh mới đây, nhiều ý kiến của ban giám hiệu và thầy cô 2 trường THPT chuyên đều kiến nghị tỉnh nâng mức hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên và học bổng nhằm động viên các em HS nỗ lực hơn trong học tập, thu hút nhiều HS nghèo học giỏi. Cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho HS và các thầy cô tham gia bồi dưỡng HS giỏi dự thi tuyển chọn đội tuyển Olympic, đạt thành tích tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý trường chuyên; tuyển dụng GV đang thỉnh giảng nguyên là HS các trường chuyên tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, xuất sắc theo chủ trương thu hút của Nghị quyết 31. Theo thầy Nguyễn Thành Khoa (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), so với Nghị quyết 12 thì Nghị quyết 31 thụt lùi về chế độ cho HS nhưng rất mừng là kết quả học tập lại có bước phát triển. Tuy nhiên, thời gian tới cần nâng mức hỗ trợ để tạo điều kiện cho con em gia đình khó khăn ở các huyện về học tại các trường chuyên.

Bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn HS vào học trường chuyên là do chính sách hỗ trợ hay vì chất lượng đào tạo, môi trường học tập tốt? Nghị quyết 31 đến hết năm học 2020 - 2021 sẽ hết hiệu lực và nếu không còn chính sách hỗ trợ nữa thì tình hình tuyển sinh các trường chuyên có bị ảnh hưởng? Trả lời những băn khoăn này, thầy Phan Văn Chương cho rằng, thực tế một bộ phận phụ huynh rất quan tâm đến chế độ học bổng bởi điều kiện kinh tế khó khăn. Đặc biệt, nhiều em gia đình ở xa, cần có khoản tiền để chi phí cho việc ăn uống, học tập của con em. Nếu không tiếp tục có chính sách hỗ trợ HS chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh, nhất là con em gia đình nghèo ở các huyện. Còn theo thầy Lê Thành Vinh, chính sách hỗ trợ không còn vẫn thu hút được HS giỏi ở Hội An và các vùng phụ cận nhưng sẽ khó tuyển sinh được những em con gia đình nghèo ở xa.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ