Thầy giáo trẻ nhất trường Phan Châu Trinh

TRẦN THÂN MỘC 30/10/2018 05:31

Năm 1950, sau khi học xong chương trình đệ nhất chuyên khoa ở Huế, anh trai tôi Trần Thân Mỹ được bổ dụng làm giáo viên trường Cấp 2 Thăng Bình 1 (tại Thăng Uyên), năm sau được chuyển về trường Cấp 2 Phan Châu Trinh, ngôi trường trung học công lập đầu tiên do UBND Cách mạng Quảng Nam thành lập sau Cách mạng Tháng Tám 1945, lúc đầu ở Hội An sau chuyển về Cẩm Khê (Tam Phước, Tam Kỳ; nay thuộc huyện Phú Ninh). Cùng hoạt động với những giáo viên khác trên 30, 40 tuổi, anh tôi là người giáo viên trẻ nhất, tuổi đời mới 21, được phân công giúp đỡ các hoạt động của Đoàn thanh niên Cứu quốc và được cho dự một số buổi của nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác do chi bộ nhà trường thành lập và chỉ đạo. Chính môi trường đó đã tạo những cơ sở ban đầu cho sự trưởng thành của anh.

Sau Hiệp định Giơnevơ, anh cùng với anh Nguyễn Hữu Thương mở trường trung học tư thục Trần Cao Vân ở Điện Bàn tham gia đấu tranh hợp pháp đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Sau một năm trường trung học tư thục của anh bị đóng cửa, anh cùng với cụ thân sinh chúng tôi chuyển vùng ra Huế (quê ngoại chúng tôi) để tiếp tục hoạt động. Anh tôi và ba tôi được nhận vào dạy ở trường trung học Bồ Đề của Hội Phật giáo thành phố Huế. Anh tôi tham gia ban cán sự giáo chức của Thành ủy Huế và Liên minh Dân tộc dân chủ hòa bình của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Thời gian này anh tôi bị bắt hai lần. Về anh tôi, một số người của ngụy quyền Sài Gòn lúc đó có nói: “Ông ấy tên là Thân Mỹ nhưng lại là thân Nga, là Việt Cộng”.

Sau Mậu Thân, giải phóng và làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm, anh tôi được rút ra chiến khu, sinh hoạt ở Ban Tuyên huấn Thừa Thiên Huế, gặp lại Lê Công Cơ trong Thành ủy Huế lúc trước là học sinh Phan Châu Trinh, thầy trò ôn lại những ngày gian khổ kháng chiến chống Pháp, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mới. Cũng tại chiến khu này anh tôi được kết nạp Đảng và bất ngờ gặp lại Thái Văn Thôi, trước là học sinh Phan Châu Trinh. Anh còn nhớ bài viết ngắn của Thái Văn Thôi kể lại cuộc gặp mặt của thầy trò lần ấy. Anh nhớ trường Phan Châu Trinh 20 năm trước, nơi anh đã được học chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và tài liệu trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được về đoàn tụ với gia đình ở Huế và là Thành ủy viên Thành ủy Huế. Từ 1983 anh được chuyển sang làm Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố. Anh đã cùng anh Nguyễn Duy Hiền giải quyết dứt điểm việc phân công treo cờ ở Kỳ Đài Ngọ Môn, việc thành lập CLB diều của thành phố, việc khôi phục ca Huế, việc thành lập đoàn tuồng Thanh Bình, mời bác Châu Thành ở miền Bắc về phụ trách, việc tổ chức biểu diễn của đoàn Kim Cương, việc cờ đèn kèn trống làm bộ mặt thành phố sáng rực lên trong những ngày lễ, việc tổ chức đội thông tin lưu động phục vụ kịp thời, việc xuất bản tờ tin Huế vào thứ bảy hàng tuần, việc thành lập nhà bảo tàng Huế, việc đưa tượng cụ Phan Bội Châu về bến Ngự, v.v... Công tác văn hóa thông tin của TP.Huế đã có nhiều tiến bộ lớn, năm 1997 được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2002 được thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Về hưu, anh tham gia thành lập hội thơ Đường luật Huế và được cử làm Chi hội phó, tham gia ban lãnh đạo CLB thơ Hương Giang và sinh hoạt ở chi hội người cao tuổi ở khu dân cư. Anh có tập thơ “Chút tâm tình 1” ra mắt năm 2012 và tập “Chút tâm tình 2” ra mắt năm 2017, nhiều thơ và bài viết đăng ở tấm lòng nhà giáo của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, ở các báo Quảng Nam, Thừa Thiên Huế nhiều năm qua. Tuy tuổi cao anh vẫn tham gia Ban liên lạc Cựu giáo viên và học sinh của trường Phan Châu Trinh, viết bài cho các kỷ yếu. Anh đi dự buổi kỷ niệm thành lập trường tại Hội An và Cẩm Khê. Anh đã cùng tôi lo nội dung 2 cặp câu đối trong công trình nhà bia trường Trung học Phan Châu Trinh ở Cẩm Khê. Hai cặp câu đối đó như sau:

- “Lập trung học trường công đầu tiên nổi tiếng địa danh xứ Quảng/ Rèn nhân tài, chiến sĩ dũng cảm vang danh truyền thống trường Phan”.

- “Nhớ mãi trường tranh, hầm hào ngang dọc sâu tình Tam Phước/ Không quên bếp củi chiếu gối giản đơn nặng nghĩa Cẩm Khê”.

Công trình nhà bia đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao ngày 5.5.2018.

Anh sắp tròn tuổi 90. Sự trưởng thành của anh 70 năm nay bắt đầu từ khi anh còn là người giáo viên trẻ nhất trường Phan Châu Trinh. Bài viết này xin được coi là món quà nhỏ mừng anh đại thọ.

TRẦN THÂN MỘC

TRẦN THÂN MỘC