Dấu ấn đổi mới giáo dục
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 (4.11.2013) của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, những kết quả mà Quảng Nam đạt được khá ấn tượng.
Đổi mới phương pháp dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Quảng Nam. Ảnh: X.P |
Chủ động, tích cực
Trước khi Trung ương có Nghị quyết 29, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 12 (28.12.2012) về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh đến năm 2020. Những mục tiêu trong nghị quyết của tỉnh đã thể hiện quan điểm đổi mới sự nghiệp GD-ĐT và phần nào đó cũng trùng với tinh thần đổi mới “căn bản, toàn diện” trong nghị quyết của Trung ương. Chẳng hạn, nâng cao chất lượng đại trà đi đôi với giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, bồi dưỡng học sinh (HS), sinh viên phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước. Hay như định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT; thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục… Điều đó cho thấy, Quảng Nam ít nhiều đã “đi trước một bước” so với Trung ương về đổi mới GD-ĐT.
Thế nên, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Quảng Nam đã có sự chủ động, tích cực. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 28 (ngày 25.4.2014) về thực hiện nghị quyết. Bên cạnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm tình hình của địa phương, một điểm mới đáng chú ý trong chương trình hành động của Tỉnh ủy so với Nghị quyết 29, đó là đưa ra thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục miền núi. Đến năm 2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 11 (25.4.2017) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT và 18 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy. Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn tỉnh ban hành hơn 90 văn bản chỉ đạo, quản lý triển khai thực hiện Nghị quyết 29.
Đi vào thực chất
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ, muốn thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ chính người thầy. Vì vậy, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ thời gian qua được chú trọng với nhiều cách làm mới. Từ năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả giáo viên (GV) bậc THPT (trước đây chỉ ở đội ngũ GV cốt cán). Cũng lần đầu tiên, sở thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện nền nếp chuyên môn (trước đây được giao cho thủ trưởng các đơn vị, trường học) tại một số trường THPT và phòng GD-ĐT. Nhờ đó tạo ra sự chuyển biến trong ý thức trách nhiệm, đánh giá chính xác năng lực và tinh thần làm việc của GV.
Trong năm 2017, tỉnh đã tổ chức 2 đợt thi tuyển viên chức giáo dục, tuyển được 1.315 GV. Đáng chú ý, bên cạnh thi tuyển công khai, cách phân công công tác cũng khá mới. Thay vì địa phương hay ngành GD-ĐT phân công thì chính GV được quyền lựa chọn đơn vị công tác căn cứ vào điểm thi cao chọn trước, điểm thấp chọn sau. Cách kiểm tra, đánh giá HS cũng có sự đổi mới. Các năm trước, Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra học kỳ cho HS khối lớp 12 và 9 ở 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Tuy nhiên, năm học 2017 - 2018, tất cả khối lớp 10, 11, 12 và lớp 9 đều làm bài kiểm tra theo đề của sở với 9 môn (gồm Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tiếng Anh, Giáo dục công dân). Ngoài ra, lần đầu tiên sở ra đề kiểm tra học kỳ cho HS lớp 6 cả tỉnh với 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh.
Theo ông Hà Thanh Quốc, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, Quảng Nam đã có được những kết quả tích cực, tạo luồng sinh khí mới trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức hoạt động dạy và học, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng. Hệ thống trường, lớp các cấp được đầu tư, phát triển; công tác phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng nhanh, tích cực góp phần thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng. Tỷ lệ ngân sách chi cho sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đạt 20% tổng chi ngân sách địa phương.
XUÂN PHÚ