Trà Linh, "cái chữ" đã cựa mình
Ô tô đã có thể về tận xã, xuống tới các nóc; điện thắp sáng, điện thoại phủ sóng, giá sâm ngày một… nóng, đã thay đổi nhịp sinh hoạt của đời sống người dân tại đỉnh Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My). “Cái chữ” cũng cựa mình theo, chưa bật mầm nhưng đã gieo hy vọng ở chốn này.
Trường mới xây dựng ở Trà Linh. Ảnh: M.Miên |
Đúng dịp lễ khai giảng năm học 2018 - 2019, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Linh được đưa vào sử dụng. Phòng học, khu hiệu bộ, nhà bán trú, phòng ăn học sinh..., tất cả mới toanh. Khi được hỏi về chuyện dân Trà Linh giàu có vì sở hữu sâm thì chuyện học của con có “giàu” lên không, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thanh trả lời ngay rằng có. “Có đường bê tông, đời sống cải thiện hơn, nên bà con quan tâm hơn đến chuyện học. Tình trạng bỏ học giảm xuống. Năm ngoái bỏ học 4 em, vì gia đình khó khăn, năm nay trường có 159 em/5 lớp, chưa thấy có trường hợp bỏ học. Để theo dõi, chúng tôi và phụ huynh lập Ban đại diện phụ huynh gồm hai người tại mỗi thôn. Danh sách học sinh sẽ được gửi theo. Khi phát hiện tình trạng bỏ học hay có biểu hiện xấu, lập tức nhà trường thông báo cho đại diện phụ huynh, thôn trưởng, nóc trưởng và phụ huynh biết để phối hợp giải quyết” - ông Thanh nói.
Thầy cô vẫn chưa thôi nhiệm vụ vận động ra lớp, vẫn lo lắng một số gia đình và học sinh vì nhiều tiền đâm ra hư hỏng, chưa thoát khỏi lối nghĩ “có sâm là có tiền, cần chi đi học”, nhưng nỗi khổ tâm về con chữ mình gieo gặp đá, đất cằn đã vơi đi khá nhiều, ở Trà Linh. |
Viettel đã phủ sóng điện thoại ở Trà Linh. Lần đầu tiên tại xứ mù mây này, câu chuyện kết nối giữa nhà trường và gia đình sẽ trở nên chặt chẽ hơn, khi nhà trường chuẩn bị thiết lập liên lạc bằng phần mềm tích cực. Có điện thoại, phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn về chuyện học hành của con cùng các thông tin cần thiết khác từ nhà trường.
Có đường, họp phụ huynh cũng đầy đủ hơn, giảm đi rất nhiều tình trạng không bao giờ đi họp, chẳng cần biết con học ra sao, học hay bỏ học cũng vậy. Ngay cả tiểu học cũng vậy. Trường Tiểu học Ngọc Linh là trường bán trú dành cho học sinh từ lớp 3 - 5. Nhà ở nóc Tắk Ngo cách trường vài cây số, chị Hồ Thị Tiềm khẳng định: “Chở con đi học chứ, có đường rồi mà”. Sáng thứ Hai phụ huynh chở con em xuống trường, chiều thứ Sáu đến trường đón về. Còn từ mẫu giáo đến lớp 2 học ở các điểm trường lẻ tại thôn nên càng không có chuyện bỏ học. Buổi sáng ở Tắk Ngo, thấy cha mẹ cầm roi bắt tụi nhỏ đi học trong tiếng khóc la, mới thấy đã có sự dịch chuyển đáng mừng trong nhận thức của bà con về cái chữ. Tiền nhiều mà không chữ, cũng hỏng. Họ bắt đầu biết lo hơn rồi. “Người dân đã thực sự biết quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Những học sinh không thuộc diện hộ nghèo, tức là không được cấp đồng phục, dụng cụ học tập, ăn uống..., phụ huynh đều lo hết. Đó là điều chúng tôi rất mừng” - Hiệu trưởng Nguyễn Thanh nói.
Về chuyện trường đã xây nhưng hết vốn, nên sân trường phải chịu cảnh bùn đất lầy lội, thầy Thanh cho biết đó đang là nỗi khổ tâm của thầy cô giáo. Số tiền làm sân lên đến cả 100 triệu đồng, bà con không quen với chuyện xã hội hóa như ở đồng bằng, dù tiềm lực ở đây không thiếu nhưng nhà trường không dám đưa ra bàn với phụ huynh. Nghe chúng tôi đề cập vấn đề này, ông Hồ Văn Tuấn - Bí thư Đảng xã Trà Linh nói ngay: “Dễ mà, trường nên có ý kiến với xã, chúng tôi vận động bà con giúp được. Bây giờ người dân lo cho chuyện học hành của con cái lắm”.
Học sinh bỏ học, phụ huynh không quan tâm, chất lượng học yếu kém bởi điều kiện quá khắc nghiệt… là nỗi ám ảnh không thể phá bỏ được mấy chục năm qua ở Trà Linh. Bây giờ, cơn “trở dạ” đã bắt đầu, kiểu học hành “giã gạo” đã giảm đi. Tất nhiên, thầy cô vẫn chưa thôi nhiệm vụ vận động ra lớp, vẫn lo lắng một số gia đình và học sinh, vì nhiều tiền đâm ra hư hỏng, chưa thoát khỏi lối nghĩ “có sâm là có tiền, cần chi đi học”, nhưng nỗi khổ tâm về con chữ mình gieo gặp đá, đất cằn đã vơi đi khá nhiều. Chuyện đi học, đâu chỉ là của các thầy cô lo cho học trò. Chính quyền, những người có uy tín ở đây, cần cộng lực với ngành giáo dục để câu chuyện nhận thức “chữ quan trọng hơn tiền” thành hiện thực ở rẻo cao này.
MỘC MIÊN