Trước thềm năm học mới - Bài cuối: Nỗi lo từ miền núi
Dù năm học mới đã bắt đầu nhưng một số huyện miền núi Quảng Nam vẫn phải đối mặt với việc thiếu thốn sách vở, trường lớp và… giáo viên.
Tin liên quan
|
Học sinh Trường Tiểu học Trà Kót trong một giờ lên lớp.Ảnh: VINH ANH |
Vận động hỗ trợ học sinh
Vận động tất cả kênh quen biết, cũng như kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng mạng xã hội, nhưng đến thời điểm này, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Trà Don (xã Trà Don, Nam Trà My) cho biết, hiện nhà trường vẫn thiếu đến gần 800 cuốn sách và vở các loại. “Hiện nay các em học sinh gặp khó khăn vì thiếu dụng cụ học tập cho năm học mới như sách vở, bút viết, cặp xách, máy tính casio... Ở đây đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, đến ngày đi học không mua sắm được gì, cả quần áo đồng phục đến trường, nên nhiều năm qua nhà trường vận động các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội hỗ trợ cho các em có được gì thì quý chừng ấy, để giúp các em đến trường được đảm bảo” - thầy Võ Đăng Chín nói. Trường PTDTBT THCS Trà Don hiện nay có tổng số 197 học sinh, 7 lớp, trong đó có 144 học sinh bán trú. Tuy nhiên số lượng giáo viên, nhân viên của nhà trường chỉ có 26 người.
Khó khăn lớn nhất đối với Trường PTDTBT THCS Trà Don là dù năm học mới đã bắt đầu, nhưng sách giáo khoa cho các khối lớp vẫn thiếu trầm trọng. Hầu như tất cả đầu sách nằm trong chương trình giảng dạy đều thiếu. “Trong đó, thiếu nhiều nhất là sách giáo khoa lớp 6, hiện chúng tôi chưa thể trang bị đủ cho học sinh. Tất cả 14 đầu sách quy định cho khối lớp này hiện thiếu 341 cuốn” - thầy Võ Đăng Chín thông tin. Lượng sách giáo khoa các khối lớp 7 và 8 vẫn thiếu khá nhiều, lên đến hơn 200 cuốn sách cho các bộ môn. Khối lớp 9 hiện vẫn còn thiếu 70 cuốn sách cho 2 bộ môn Tin học và Tiếng Anh. Và đây chỉ là những yêu cầu tối thiểu cho một năm học mới còn khá nhiều toan lo với các huyện miền núi.
Nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS ở miền núi cũng đang tìm cách kết nối các nhà hảo tâm để vận động sách vở, kinh phí giúp các em đến trường như thầy giáo Võ Đăng Thuận. Cô Võ Thị Hồng Đào - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Kót (Bắc Trà My) cho biết, năm học này xã có 5 thôn thoát nghèo, do đó học sinh các thôn này sẽ bị cắt chế độ bán trú lẫn chế độ hỗ trợ học sinh miền núi 100 nghìn đồng/tháng. “Hiện cả trường chỉ có 29 em/116 học sinh được chế độ bán trú. Nhà trường hoàn toàn phải tự chủ kinh phí trong việc sắm sửa đầu năm cho các em. Chúng tôi đã tổ chức vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ việc mua sách giáo khoa và tập vở cho học sinh” - cô Đào nói. Cuộc vận động để giúp học sinh mình ổn định cho năm học mới vẫn đang được các thầy cô tiến hành.
Thêm nhiều khó khăn
Cơ sở trường lớp vẫn là nỗi lo đối với các huyện miền núi, đặc biệt tại những bản làng ở các vùng sâu, vùng cao. Ông Hồ Đắc Vinh - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm (Tây Giang) cho biết, do thiếu cơ sở vật chất nên cơ sở trường tiểu học và THCS phải dùng chung. Tại các thôn bản có các điểm trường dành cho học sinh từ lớp 3 trở xuống, nhiều nơi, mỗi lớp chỉ có vài học sinh nên phải ghép 2 khối vào một lớp học. Giáo viên cùng một lúc dạy 2 khối học. Trong khi đó, một tin vui đến với 120 hộ dân tái định cư Khe Chữ (xã Trà Vân, Nam Trà My) là một điểm trường vừa được xây dựng khang trang ngay tại Khe Chữ. “Hồi đầu hè, một tổ chức xã hội đã tìm đến và xây dựng điểm trường gồm 2 phòng học. Ngày 5.9 chúng tôi tổ chức cho 25 em mầm non và 21 em cấp tiểu học khai giảng ngay tại đây” - ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết.
Nam Trà My hiện đối diện với tình trạng thiếu giáo viên rất lớn. Hiện tại các điểm trường không thể phân bổ đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu. “Huyện Nam Trà My năm vừa rồi bị cắt 83 biên chế sự nghiệp giáo dục, cắt giảm như vậy đối với Nam Trà My là một khó khăn rất lớn. Trong khi đó, chúng tôi lại có 122 giáo viên xin điều chuyển về đồng bằng theo nguyện vọng” - ông Võ Đăng Thuận nói thêm. Giải pháp mà Nam Trà My đưa ra là trước mắt sẽ dừng việc dạy học 2 buổi/ngày. Với tình trạng một số điểm trường thiếu một lượng lớn sách giáo khoa, ông Thuận cho biết huyện sẽ cấp ngân sách để bổ sung sách cho học sinh trên địa bàn, tuy nhiên việc đảm bảo chỉ dừng ở mức độ tối thiểu. “Những năm trước, Ban Dân tộc tỉnh có hỗ trợ vở cho học sinh của huyện, tuy nhiên năm nay đã bị cắt. Chúng tôi vận động, kết nối với các mạnh thường quân và đã được hỗ trợ 1.000 cuốn vở cho năm học mới của các em” - ông Thuận nói thêm.
Nam Giang và Tây Giang thiếu giáo viên, khó khăn về thiết bị dạy học Bước vào năm học mới 2018 - 2019, tin vui với học sinh huyện miền núi Nam Giang là trên toàn huyện có thêm 26 phòng học được xây mới với trị giá hơn 1,3 tỷ đồng; các chế độ hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, việc một số thiết bị dạy học thiết yếu như máy tính, bàn ghế… vẫn còn thiếu, đang khiến cho công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho biết, công tác giáo dục luôn được địa phương chăm lo, nhưng do điều kiện huyện miền núi còn khó khăn nên việc trang bị một số dụng cụ, thiết bị dạy học cho các trường, nhất là ở bậc tiểu học và THCS chưa thực sự đảm bảo. Đây là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở địa phương. Bên cạnh đó, học sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như xã Đắc Pring, Đắc Pre, La Êê, Chơ Chun… điều kiện ăn, ở bán trú, nội trú còn khá thiếu thốn vì cơ sở vật chất như phòng ngủ, bếp ăn… còn chật hẹp, chưa được kiên cố hóa. Năm học vừa qua (2017 - 2018), toàn huyện Nam Giang có 12 học sinh bỏ học giữa chừng. Dù con số này thấp so với một số huyện miền núi trong tỉnh, tuy nhiên bước vào năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục huyện Nam Giang sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng và nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn huyện. * Bà Lê Thị Kim Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết, năm học 2018 - 2019 này, qua rà soát, ngành giáo dục địa phương đang thiếu khoảng 31 giáo viên ở các bậc mầm non và tiểu học (trong đó mầm non 18 giáo viên và tiểu học là 13 giáo viên). Đây được xem là khó khăn chung của toàn ngành, khi chủ trương tinh giản biên chế đang được thực thi hiện nay. Riêng về cơ sở vật chất trường, lớp học, Tây Giang cơ bản đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu dạy học cho con em đồng bào miền núi, với 7 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 6 trường THCS và 2 trường THPT. Trong năm học này, bên cạnh chủ động khắc phục được tình trạng thiếu sách, vở cho học sinh, địa phương đã nỗ lực làm tốt công tác vận động, duy trì sĩ số học sinh đến lớp vào đầu năm học, cũng như xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh miền núi. (VINH ANH - ALĂNG NGƯỚC) |
LÊ QUÂN - VINH ANH