Dáng vóc một ngôi trường
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) trở thành nơi chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò, góp phần làm rạng danh một vùng đất học.
Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu đã khẳng định một thương hiệu vững chắc về sự nghiệp trồng người. Ảnh: V.L |
Hành trình trồng người
Năm 1958, trường được thành lập với tên gọi ban đầu là Trung học Bán công Nguyễn Duy Hiệu. Qua từng thời kỳ khác nhau, trường có nhiều tên gọi như: Trung học công lập Điện Bàn; Cấp II, III Điện Bàn; Cấp III Điện Bàn I; Trường PTTH Nguyễn Duy Hiệu và nay là Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu. Dù qua bao lần đổi tên nhưng ngôi trường nằm bên bờ sông Vĩnh Điện hiền hòa vẫn luôn hằn sâu trong ký ức của bao thế hệ học sinh như là nơi chắp cánh cho những ước mơ học trò trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nếu như những ngày đầu thành lập, trường chỉ có hơn 10 phòng học gồm các khối từ lớp 6 đến lớp 9 học theo hệ bán công thì đến nay đã có 43 lớp học gồm các khối từ lớp 10 đến lớp 12. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng được hoàn thiện đạt chuẩn, nhiều thầy cô giáo đã có bằng thạc sĩ; hằng năm hơn 25% CB-GV-CNV của trường đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 50% CB-GV-CNV có đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp trường. Không ít thầy cô được UBND tỉnh tặng bằng khen, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhiều thầy cô được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn.
Cùng với đó, cơ sở vật chất cũng được đầu tư củng cố, bắt đầu từ năm học 2010 - 2011, số phòng học tăng 3 phòng, số lượng học sinh tăng dần qua các năm, các khu phục vụ hoạt động giáo dục được trang bị bổ sung thường xuyên, cảnh quan nhà trường được chăm chút, khang trang bề thế. Nhà trường có thư viện đạt chuẩn, phòng truyền thống, khu thí nghiệm thực hành, sân bãi dạy thể dục… cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong tình hình mới. Năm 2015, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu được UBND tỉnh công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc gia”; đã có nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm học 1999 - 2000); Huân chương Lao động hạng Ba (năm học 2001 - 2002); hàng chục tập thể, cá nhân đã được Bộ GD-ĐT, tỉnh, huyện trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen suốt những năm qua.
Theo thầy giáo Phạm Tấn Sáu - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, niềm tự hào lớn nhất của trường 60 năm qua không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người, đóng góp cho xã hội nhiều thế hệ học sinh ưu tú mà đã xác lập được một “thương hiệu” vững chắc trong lòng bao thế hệ phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, đã đánh dấu vị thế của nhà trường đang vươn lên tầm cao mới. “Đó là sự kết tinh của những gì tinh túy trong chặng đường 60 năm trưởng thành và phát triển Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, tạo nền tảng và động lực vững chắc để hướng đến những mục tiêu cao hơn trong sự nghiệp trồng người” - thầy Phạm Tấn Sáu chia sẻ.
Chắp cánh tài năng
Có thể nói, tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa thầy trò, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thế hệ đi trước dìu dắt đàn em theo sau trở thành truyền thống tốt đẹp của trường suốt những năm qua. Từ đó góp phần tiếp sức cho hàng trăm học sinh nghèo học giỏi có cơ hội tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trên con đường học vấn. Đã có hàng chục quỹ học bổng, khuyến học khuyến tài được trao tặng định kỳ hàng năm như Quỹ học bổng Nguyễn Duy Hiệu; Quỹ học bổng của cố nhà giáo ưu tú Võ Đông Sanh, Học bổng của cựu học sinh khóa 83-86, Học bổng của cựu học sinh lớp 12B5 khóa 85-88, học bổng của cựu học sinh Thân Đức Khánh, học bổng của cựu học sinh Trương Công Thạnh, học bổng của cựu học sinh Trương Công Nam, cựu học sinh ở TP.Hồ Chí Minh, học bổng của Công ty Thiên An Khương... Ngoài ra còn nhiều học bổng của cựu học sinh, cựu giáo viên, các mạnh thường quân cấp phát không thường xuyên trong các năm học qua. Bình quân mỗi năm cấp phát học bổng hơn 200 triệu đồng như là sự tri ân của cựu học sinh với mái trường xưa. |
Trong 60 năm, không ít học sinh đã thành danh và có những đóng góp nhất định cho xã hội trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục... Nhiều học sinh của trường năm xưa nay đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, tham gia nghiên cứu giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, có thể kể đến GS-TS. Trần Văn Thọ; PGS-TS. Trần Văn Nam; PGS-TS. Nguyễn Chánh Tú; PGS-TS. Lê Văn Huy; PGS-TS. Lê Tự Hải…. cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu như Phan Duy Nhân, (Phan Chánh Dinh), Nguyễn Nho Sa Mạc, Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Phú Long, Từ Huy, Đynh Trầm Ca…
Thầy giáo Nguyễn Trí Viễn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (giai đoạn 1985 - 2010) vẫn nhớ như in bao vất vả khó khăn của trường những năm đầu mới giải phóng. Dù cơ sở vật chất thiếu thốn, toàn trường chỉ có 18 phòng học tạm bợ, tường rào, cổng ngõ sơ sài, học sinh phần lớn có hoàn cảnh khó khăn… nhưng vượt lên tất cả chính là sự nỗ lực của thầy trò để cùng vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ trồng người. “Rất tự hào, đó là những tháng năm đẹp nhất của đời tôi” - thầy Nguyễn Trí Viễn tâm sự. Còn với thầy Hoàng Lộc, giảng dạy tại trường những năm 1966 - 1968, ký ức ngôi trường là tình bạn, tình đồng nghiệp, tình người dù qua bao biến động thời cuộc vẫn còn đọng mãi. “Đây là ngôi trường đầy tính nhân văn nuôi dưỡng tình người với những đồng nghiệp yêu nghề, đức độ và với nhiều thế hệ học trò cùng phụ huynh biết tôn sư trọng đạo” - thầy Lộc nhớ lại.
Sáu mươi năm hình thành và phát triển với những bước đi đầy gian khó nhưng thầy và trò Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Dường như giai đoạn nào trường cũng có những học sinh ưu tú. Đã có rất nhiều học sinh của trường đạt giải cấp quốc gia ở các bộ môn; từ năm 2018 đến nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân đạt từ 90 - 100%; tỷ lệ học sinh vào các trường đại học ở mức 65%, hàng năm đoàn học sinh giỏi của trường dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh luôn xếp vị thứ nhất, nhì, ba toàn đoàn. Năm học 2010-2011 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu được xếp tốp 229/ 20.074 trường THPT trên toàn quốc có tỷ lệ học sinh đỗ cao vào các trường đại học…
VĨNH LỘC