Những cô gái "robot"
Lần đầu thử sức chế tạo robot nhưng 3 cô gái đến từ Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến nhiều người bất ngờ vì sản phẩm đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ XIII (năm học 2017-2018).
Làm vui, thi thật
Nguyễn Thị Triệu Vy. |
“Robot nhện” là tên sản phẩm đoạt giải của nhóm tác giả: Đặng Mai Thy, Trịnh Lê Gia Huy và Nguyễn Thị Triệu Vy (học sinh chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm). Học cùng lớp và chơi thân trong một nhóm, nhưng đó là lần đầu tiên Thy, Huy và Vy cùng nhau thực hiện một dự án về khoa học công nghệ. Được sự khuyến khích của thầy chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ ở trường, nhóm 3 bạn đã lên kế hoạch thực hiện sản phẩm tham dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiến niên nhi đồng toàn tỉnh (năm học 2016 - 2017). Đặng Mai Thy cho biết: “Thầy giáo bảo rằng phải suy nghĩ làm ra sản phẩm gì đặc biệt, chưa từng xuất hiện trong cuộc thi, nhưng mãi mà tụi em không nghĩ ra nên làm cái gì. Sau đó, em xem trên mạng thấy mô hình làm robot khá thú vị nên đem ý tưởng bàn với các bạn và tất cả đều thống nhất”.
Thế nhưng khi bắt tay làm thì cả Thy, Huy lẫn Vy chẳng biết bắt đầu từ đâu, làm gì để hình thành được con robot. Sau khi dành cả tuần dịch các tài liệu hướng dẫn thực hiện robot từ tiếng Anh, tiếng Trung, cả nhóm đem ý tưởng hỏi thầy và được thầy giới thiệu một cựu học sinh của trường (đang là sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng) hướng dẫn giùm. Có người hướng dẫn, cả nhóm bắt đầu định hình được các công việc cần phải làm, rồi phân chia nhau mỗi người phụ trách một công đoạn. Em Trịnh Lê Gia Huy chia sẻ: “Nếu hình dung con robot có 3 phần chính thì tụi em mỗi người phụ trách mỗi phần. Thy đảm nhận việc thiết kế, làm bộ khung cho robot; Vy là người viết code để lập trình robot, còn em viết ứng dụng kết nối robot với điện thoại thông minh”.
Đặng Mai Thy. |
Trong khi đó, Nguyễn Thị Triệu Vy cho rằng, dự án làm robot là một nguồn mở, có sẵn thông tin trên internet. Do đó, nếu nói rằng bản thân là người viết mã hoàn toàn cho robot không đúng lắm. “Chính xác thì em đã lấy nguồn code từ internet và phát triển nó để robot có nhiều tính năng hơn. Để tăng tính tiện lợi, em đã cài đặt thêm phần mã code cho chương trình dùng trên điện thoại và cả giọng nói. Muốn làm được điều này đòi hỏi một phần kiến thức khi sử dụng phần mềm viết code. Do đó em phải tìm thêm tư liệu để mày mò. Kết quả là từ robot chỉ biết tiến lùi, quay trái quay phải, tụi em đã bổ sung thêm tính năng “xin chào”, “cảm ơn” và tính năng xoay cũng đa dạng hơn” - Triệu Vy nói.
Sau gần 1 tháng mày mò hoàn thiện, sản phẩm “Robot nhện” với nhiều tính năng cải tiến của nhóm 3 cô gái đã bất ngờ dành được giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh và sau đó “ẵm” luôn giải nhì cuộc thi này ở cấp toàn quốc. “Đây là điều quá bất ngờ vì nhóm tụi em không hề dự đoán trước. Không phải là tụi em thiếu tự tin vào sản phẩm của mình, mà em nghĩ sẽ có rất nhiều sản phẩm hay và mới lạ hơn ở cấp quốc gia. Vì thế khi nhận được tin con robot được giải nhì, thì cả nhóm đã ngạc nhiên và vỡ òa hạnh phúc” - Triệu Vy tâm sự.
Gieo ước mơ tương lai
Trịnh Lê Gia Huy. |
Đến hôm nay, trong khi Thy và Huy vẫn đang tiếp tục theo học ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Vy đã sang Úc du học được gần 7 tháng. Hiện Vy vẫn học phổ thông tại Trường Freshwater Senior ở thành phố Sydney. Triệu Vy chia sẻ: “Em muốn theo học bác sĩ nên tương lai em dự định sẽ kiếm học bổng khi vào đại học. Dù khó khăn nhưng em sẽ cố gắng. Vì khi em đủ 18 tuổi, em không muốn bố mẹ phải tiếp tục chu cấp cho em nữa”.
Trao đổi với chúng tôi về cuộc sống một mình nơi xứ người, Triệu Vy tâm sự: “Em cảm thấy thiếu vắng vì không còn được ăn những bữa cơm mẹ nấu, không còn được đi chơi với các bạn cùng lớp… Tuy nhiên, vì được tiếp cận với một môi trường mới và tân tiến hơn nên em cảm thấy khá thích thú. Em được gặp những người bạn mới, học một chương trình mới, gặp thầy cô giáo tận tình em cũng cảm thấy đỡ nhớ Việt Nam”. Được biết, Triệu Vy sở hữu thành tích học tập rất tốt, luôn là học sinh giỏi từ cấp 1 đến nay. Nhiều lần, Vy đoạt giải trong các cuộc thi như: Olympic Toán, Tin học, Hóa học cấp thành phố đến cấp tỉnh... Tuy nhiên Vy cho biết bản thân em không phải là người “mọt sách”. “Trong học tập em không quá đặt nặng vấn đề điểm số. Ở lớp, em cố gắng nghe giảng bài để nắm được kiến thức, sau đó làm bài tập ở nhà. Em cũng chẳng phải týp người mọt sách vì ngoài học trên lớp, em không đi học thêm nên toàn bộ thời gian rảnh em đi chơi cùng các bạn, học đàn, đọc sách…” - Triệu Vy nói.
Vườn ươm sáng tạo Tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ ra đời đã tạo ra sân chơi về nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học-kỹ thuật thiết thực cho học sinh nhà trường. Thầy giáo Phan Công Thành - giáo viên Vật lý đồng thời làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ cho biết, từ khi câu lạc bộ ra đời (năm 2014), đến nay đã tạo điều kiện để học sinh phát huy khả năng, niềm đam mê sáng tạo. Từ đó, học sinh của trường đã giành được 1 giải nhì, 2 giải ba ở Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức; 2 giải nhì và 1 giải ba tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Thầy Thành nói: “Việc của chúng tôi là tạo ra môi trường tin cậy, cởi mở để học sinh gặp gỡ, bày tỏ ý kiến, nhu cầu của bản thần với nghiên cứu khoa học. Từ đó, câu lạc bộ tạo môi trường để các em thể hiện ý tưởng, đồng thời kết nối các em với bạn bè, cựu học sinh,… là những người giỏi về các lĩnh vực mà các em có nhu cầu để hướng dẫn, giúp đỡ”. |
Theo chia sẻ của Huy, trong gia đình có bố mẹ là giáo viên nhưng khá thoải mái, không quá khuôn phép chuyện quản lý việc học, việc sinh hoạt của con cái. Bởi thế, hầu hết việc học của Huy đều do bản thân tự giác. “Em nghĩ em chơi nhiều hơn học. Em học khá thoải mái. Cái gì thích, đam mê thì tìm hiểu sâu” - Huy nói. Hiện nay Huy là học sinh chuyên Hóa nhưng mục tiêu trong tương lai là muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin liên quan đến mảng lập trình, phần mềm máy tính. Dự định của Huy sau khi học xong 12 là thi vào Trường Đại học Khoa học tự thiện TP.Hồ Chí Minh. Cũng như Vy và Huy, ngoài giờ học Thy dành thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng và học các môn năng khiếu theo sở thích. Bản thân Thy có sở thích đặc biệt với môn Hóa và thích thú mỗi khi được làm các bài tập thực hành. Thy chia sẻ: “Ngành em mong muốn được theo đuổi sẽ liên quan đến công nghệ sinh học, về gen, di truyền. Sau này em muốn gắn bó với công việc nghiên cứu ở trong các trường đại học, viện nghiên cứu nào đó…”.
Khi được hỏi về cảm xúc lúc được nhận học bổng Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng của Báo Quảng Nam, cả Thy, Huy và Vy đều cảm thấy vinh dự. Đồng thời cho rằng, học bổng không chỉ để hỗ trợ tài chính, mà là động lực để khuyến khích mỗi cá nhân phải phấn đấu và nỗ lực hơn nữa.
ANH ĐÔNG