Nâng chất lượng học tập trẻ em miền núi
Dự án “Bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán” (2015-2018) và dự án kế tiếp “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (2018-2020) góp phần cải thiện chất lượng học tập của trẻ em Tây Giang.
Một buổi sinh hoạt hỗ trợ phát triển kỹ năng làm quen với các môn học. Ảnh: H.L |
Các dự án này được thực hiện với sự phối hợp của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế - SCI và Bộ GD-ĐT. Được biết, SCI hiện hoạt động tại 120 nước trên toàn thế giới, đã hỗ trợ cho 185 triệu trẻ em được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Tại Việt Nam, tổ chức đã có mặt ở 27 tỉnh với 4 văn phòng.
Chuyển biến tích cực
Giai đoạn 2015 - 2018, Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế hỗ trợ - SCI đã phối hợp với Bộ GD-ĐT giới thiệu, triển khai thí điểm bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết toán và tiếng Việt (ELM) tại huyện Tây Giang của Quảng Nam và Văn Chấn của Yên Bái. Có khoảng 4.000 trẻ em của hai huyện trên được hưởng lợi từ chương trình. Bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết toán và tiếng Việt được ngành giáo dục 2 huyện trên áp dụng và tạo sự chuyển biến tích cực bước đầu. Cô Hốih Thị Do - giáo viên dạy mầm non tại Trường Mầm non Họa Mi (xã A Tiêng) chia sẻ, tham gia dự án, giáo viên nhà trường mạnh dạn đổi mới phương pháp, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nuôi dạy trẻ. Phụ huynh cũng được tham gia các khóa tập huấn liên quan, các câu lạc bộ cha mẹ cũng ra đời ở các trường, nâng cao ý thức nuôi dạy và giáo dục trẻ đối với phụ huynh miền núi. “Mong dự án tiếp tục mở rộng phạm vi hỗ trợ để giảm thiểu những thiệt thòi, khó khăn mà trẻ em miền núi đối diện” - cô Hốih Thị Do nói. Bríu Văn Khương (9 tuổi) - một trong những trẻ thuộc Trường Mầm non Họa Mi từng được hỗ trợ từ dự án giai đoạn 2015 - 2018. Chị Blúp Thị Hùm, phụ huynh của Khương cho biết, chị sinh non Khương khi em chỉ mới 7 tháng tuổi, nặng 1,9kg. Khương chậm phát triển, mãi 2 tuổi vẫn chưa nói, ít tiếp xúc với người khác. Em phát âm không chuẩn, ngại nói chuyện, tiếp xúc nên lưu ban 2 năm một lớp. Nhờ được hỗ trợ từ dự án, tình trạng của Khương đã có chuyển biến tích cực. “Con tôi đã có thể nói chuyện được, phát âm rõ tiếng hơn, có thể đọc được chữ, số, tinh thần đỡ hơn trước rất nhiều. Tôi sẽ tiếp tục theo dự án để tìm ra giải pháp giúp con tôi sống tốt hơn” - chị Blúp Thị Hùm nói.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang, với dự án, nhiều giáo viên mầm non ở Tây Giang đã biết lồng ghép hoạt động phát triển kỹ năng làm quen với toán và đọc viết cho trẻ và văn hóa đồng bào Cơ Tu vào việc tạo ra đồ dùng dạy học cho trẻ. Nhìn chung, trẻ ham thích học tập hơn và có chuyển biến tích cực trong việc làm quen với đọc viết và toán trong lớp mầm non. Tại hội thảo quốc gia tổng kết dự án ELM ở Hà Nội, ông Hoàng Đức Minh - Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Trưởng ban Quản lý dự án ELM nhận xét: “Bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán đã chứng minh được tính hiệu quả qua 3 năm triển khai. Chúng tôi khuyến nghị giáo viên nên áp dụng trong giảng dạy”.
Tiếp nối thành công
Giai đoạn 2018 - 2020, cũng từ sự hỗ trợ từ Tổ chức SCI, Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang và Ban Quản lý dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” chính thức khởi động vào 6.2018. Dự án hỗ trợ cho 4 trường tiểu học Tây Giang (triển khai 3 năm, tổng nguồn hỗ trợ 11,8 tỷ đồng) gồm: Tiểu học xã A Tiêng, Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Bha Lêê, Tiểu học xã A Vương, Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Dang. Mục tiêu dự án hướng tới là giúp đỡ 1.000 học sinh tại 4 trường học, 100 giáo viên và 600 đối tượng phụ huynh học sinh được hưởng lợi từ việc chăm sóc, giáo dục trẻ độ tuổi từ 6 đến 11.
Bà Lê Thị Thanh Mai, quản lý dự án chia sẻ, với trẻ em miền núi Tây Giang, rào cản ngôn ngữ là yếu tố khiến trẻ khó khăn trong học tập nên phương pháp giáo dục đa ngữ từ dự án đưa ra là hết sức cần thiết, giúp giáo viên và học sinh hiểu được ý nghĩa khi dạy, đọc, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nói, khuyến khích trẻ nói chuyện, kể chuyện… Chương trình còn áp dụng hình thức đánh giá thường xuyên ở trẻ qua các bước kiểm tra đánh giá để xác định những trẻ khó khăn về đọc, nói để điều chỉnh hướng giúp trẻ cải thiện. Các tình nguyện viên từ dự án cũng sẵn sàng sát cánh cùng các em từ lớp học lẫn gia đình. Dự án thành lập các hội cha mẹ, đôi bạn cùng học, ngày hội đọc sách… để trẻ tiếp cận với văn hóa đọc, cải thiện thói quen đọc sách ở trẻ. Trẻ em độ tuổi 6 - 11 thuộc các trường được Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu học tập với tổng nguồn hỗ trợ hơn 500 triệu đồng từ dự án.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hoàng - cán bộ dự án thông tin, dự án cũng góp phần cải thiện môi trường giáo dục tại các trường thông qua việc hỗ trợ cải thiện các cơ sở vật chất trường học, cải thiện một số phòng học và thư viện, góc đọc sách tại các điểm trường, cung cấp tài liệu giáo dục phù hợp cho giáo dục trẻ. “Ngoài việc trẻ gặp khó khăn khi tiếp cận với giáo dục chậm hơn trẻ em đồng bằng, thiếu môi trường học tập thuận lợi nên một tỷ lệ lớn trẻ trong độ tuổi chưa sẵn sàng đi học, tỷ lệ trẻ lưu ban cao, nghỉ học sớm cũng nhiều. Dự án không chỉ nâng chất lượng học tập của trẻ mà còn nâng cao ý thức cho phụ huynh miền núi về tầm quan trọng của giáo dục sớm ở trẻ” - bà Hoàng nói.
HOÀNG LIÊN