Loay hoay chuyện trường, lớp vùng đông
Sắp bước vào năm học 2018 - 2019, nỗi lo thiếu phòng học tại các trường vùng đông thị xã Điện Bàn một lần nữa thêm bức bách. Đây là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ trong vài năm trở lại đây.
Việc đầu tư phòng học cho các trường vùng đông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập hàng năm của học sinh nơi đây. Ảnh: VĨNH LỘC |
Thiếu phòng học
Hơn 5 năm nay, mỗi khi đến niên học mới bà Phạm Thị Diệu - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (phường Điện Ngọc) lại lo lắng vì số lượng học sinh đăng ký vào trường tiếp tục gia tăng nhưng nhà trường không biết cách gì để giải quyết. Tới thời điểm hiện tại đã có gần 100 hồ sơ đăng ký nhập học, nâng số học sinh toàn trường năm học 2018 - 2019 lên con số 1.050 em, đồng nghĩa số lớp cũng tăng từ 30 lên 32. Theo bà Diệu, nguyên nhân chính do công nhân khắp nơi đổ về làm việc, lập nghiệp tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc khiến học sinh là con em công nhân tăng theo. Tuy nhiên, nỗi lo không chỉ là giải quyết cơ sở vật chất, lớp học mà còn là vấn đề chuyên môn, nhất là trong quản lý. Riêng giải quyết chuyện nhập học, chuyển trường cho số học sinh là con em công nhân tạm trú, bình quân mỗi năm có hơn chục em dẫn đến lớp học xáo trộn. “Theo quy định sĩ số học sinh mỗi lớp là 35 em nhưng hiện đã lên 37, thậm chí có lớp 40, 42 em nên tạo áp lực khá lớn lên hạ tầng trường lớp và giảng dạy, nhất là thiếu hụt phòng ốc. Hiện toàn trường có 27 phòng học, nhưng năm tới là 32 lớp, thiếu 5 lớp. Để có phòng cho các em học, trường phải thu hẹp lại một số phòng hành chính, phòng chức năng. Bây giờ muốn xây thêm, quỹ đất của trường cũng đã hết, chỉ còn cơ sở hai nhưng nghe nói thị xã không có kinh phí” - bà Diệu nói.
Phường Điện Ngọc có 2 trường tiểu học là Lê Hồng Phong và Phạm Như Xương, tất cả đều trong tình trạng thiếu phòng cho năm học tới. Ông Trần Duy Nghĩa – Bí thư Đảng ủy phường Điện Ngọc cho biết, hiện khối THCS và mầm non xem như tạm ổn do việc đầu tư xây dựng những năm qua được thị xã quan tâm, cũng như xuất hiện nhiều cơ sở mầm non tư thục; nỗi lo bây giờ chính là khối tiểu học vì phòng ốc xây không kịp so với tốc độ gia tăng học sinh. Ông Nghĩa nói: “Dân số cơ học tăng quá nhanh khiến học sinh cũng tăng theo từng năm, cảm giác cơ sở trường lớp cứ phải chạy theo sau mãi. Năm nay vừa xây được vài phòng năm tới lại thiếu. Phường có hơn 21 nghìn dân nhưng số dân gia tăng cơ học khoảng 10 nghìn. Từ đầu năm đến nay địa phương đã ký 190 giấy phép làm nhà, chủ yếu dân nơi khác đến ở. Theo tính toán năm nay và năm tới mỗi trường tiểu học cần xây ít nhất 6 phòng mới đủ. Tuy vậy, vấn đề bây giờ chưa hẳn là đất mà là kinh phí không có, ví dụ như Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có hai cơ sở, cơ sở 2 quỹ đất vẫn còn trên 10.000m2, nếu có tiền sẽ làm tại cơ sở 2 và dời ban giám hiệu về dưới đó, kinh phí xây dựng một phòng khoảng 650 triệu đồng”.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Học sinh tăng, thiếu phòng học là câu chuyện không mới của vùng đông Điện Bàn nói chung và các phường gần Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc nói riêng. Theo ông Đàm Quảng Trung - Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc, đây là vấn đề đã diễn ra nhiều năm, nhưng gia tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, nhất là ở khối tiểu học; tuy vậy địa phương khó thể làm gì được do thiếu quỹ đất và kinh phí xây dựng. Niên học 2018 - 2019 phường tăng thêm 2 lớp ở khối tiểu học khiến phòng ốc thêm bức bách. “Năm trước đã xây thêm 4 phòng, tuy nhiên vẫn phải sử dụng các phòng chức năng mới đủ. Năm nay cũng vậy, trước mắt sẽ sử dụng các phòng công năng vào giảng dạy rồi từ từ tính tiếp. Nay có muốn mở thêm nữa cũng không được bởi hết đất rồi. Địa phương đã đề xuất với thị xã là nếu cần thiết phường sẽ đầu tư nhưng ngặt một nỗi không có đất” - ông Trung bày tỏ.
Ông Trương Công Nên - Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho rằng, việc giải quyết tình trạng gia tăng học sinh tại 2 phường Điện Ngọc và Điện Nam Bắc phải có sự tham gia của doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại khu công nghiệp hoặc các khu đô thị nơi đây. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cũng phải đầu tư với thị xã trong việc xây dựng hạ tầng trường học. “Việc tăng sĩ số mỗi lớp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học; giáo viên cũng sẽ cực hơn, trang thiết bị, bàn ghế học tập cũng cần phải đầu tư thêm; các phòng chức năng cũng sẽ không đảm bảo yêu cầu phục vụ cho việc học tập thực hành của các em vì phải chuyển sang làm phòng học…. Rồi cơ chế hỗ trợ cho giáo viên dạy các lớp có sĩ số học sinh đông hơn quy định như thế nào cũng phải cần tính toán…” - ông Nên phân tích.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, khoảng 4 năm nay nguồn lực giáo dục của thị xã hầu hết tập trung cho vùng đông, nhưng với mức gia tăng cơ học quá nhanh như thời gian qua thì việc đầu tư của thị xã cũng không kịp. Ông Hà cho rằng, con em công nhân đến làm việc không thể không cho nhập học, mà nhận vô thì không có chỗ học, nên về lâu dài tỉnh phải bố trí ngân sách để xây thêm các phòng, chưa kể bây giờ quỹ đất các địa phương vùng đông dường như đã hết, ngoài một số trường còn quỹ đất thì hầu hết không đủ diện tích để xây thêm. Và nguồn kinh phí cũng là vấn đề rất khó; rồi vướng Nghị quyết Trung ương 6 về việc sắp xếp các cơ sở, do đó không thể mở ra thêm cơ sở trường học nữa, cũng không thể nâng tầng lên vì trường tiểu học không vượt trên 3 tầng, gây khó khăn trong quản lý và đảm bảo an toàn cho các em. “Tăng dân số cơ học ở khu vực xung quanh Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thì tỉnh cũng phải có trách nhiệm, rồi trách nhiệm của các doanh nghiệp đóng trong khu công nghiệp đầu tư vào đây cũng phải rõ ràng. Với hơn 55 nghìn công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp mà không có trường riêng cho con em công nhân làm trong khu công nghiệp rất là khó. Điện Bàn đã làm đề án phát triển giáo dục vùng đông gửi vào tỉnh nhưng đến bây giờ không thấy các sở ngành của tỉnh ý kiến gì; sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với tỉnh đầu tư thêm vì áp lực vùng đông rất lớn, nhất là phòng học, phải đầu tư đồng bộ một lần chứ không thể chạy theo sau mãi như hiện nay” - ông Hà chia sẻ.
VĨNH LỘC