Giải bài toán thiếu giáo viên

XUÂN PHÚ 17/07/2018 09:31

Vì sao 2 năm liên tiếp thi tuyển viên chức giáo viên (GV) nhưng đến nay các địa phương trong tỉnh vẫn thiếu? Vậy, giải pháp nào để giải quyết?

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: X.PHÚ
Tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: X.PHÚ

Đụng đâu thiếu đó

Trong 2 năm 2016 và 2017, tỉnh tổ chức liên tiếp 2 đợt thi tuyển viên chức GV. Kết quả, đã bổ sung hơn 1.500 GV cho các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các địa phương đều “đau đầu với bài toán thiếu GV” song chưa có lời giải.

Ông Phan Văn Tuyển - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thăng Bình cho hay, địa phương đang thiếu 121 GV mầm non và 43 GV tiểu học. Lý do là vì thời gian qua số GV nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khá nhiều. Trong khi đó, thi viên chức 2 năm vừa rồi không tuyển đủ chỉ tiêu. Hơn nữa, huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ cao, nhất là độ tuổi 3 - 5 khiến cho đội ngũ GV mầm non không đủ để đáp ứng.

Ông Tuyển đề nghị tỉnh sớm tổ chức thi tuyển, nếu không thi hoặc chưa thì cho phép huyện hợp đồng nhằm giải quyết kịp thời số GV thiếu trong năm học tới.

Ông Lương Đức Hiền - Trưởng phòng GD-ĐT Đại Lộc cũng cho biết, địa phương đang thiếu 34 GV mầm non, 94 GV tiểu học  và 25 GV THCS. “Chúng tôi thiếu nhiều là bởi năm 2017 toàn huyện nghỉ hưu đúng tuổi 65 người, năm 2018 là 100 người và dự kiến sẽ là 73 người vào năm 2019, chưa kể số người nghỉ hưu trước tuổi 2 năm vừa qua khá đông” - ông Hiền lý giải.

Tại buổi làm việc với các sở và địa phương mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, để xác định nhu cầu GV, các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, đội ngũ cán bộ, GV, bố trí số lượng HS/lớp theo quy định. Về lâu dài, sẽ giao cho các địa phương tổ chức thi tuyển viên chức GV và tỉnh chỉ thực hiện việc giám sát. Tuy nhiên, để kịp thời giải quyết tình trạng thiếu GV hiện nay, giao cho Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT nghiên cứu sớm tham mưu cho tỉnh theo hướng hợp đồng GV ngắn hạn. Số GV này sẽ vẫn phải tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo dục nếu có nguyện vọng gắn bó lâu dài với công tác giảng dạy.

Tại Duy Xuyên, ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, theo tính toán năm học đến huyện thiếu 25 GV mầm non và 78 tiểu học; ngược lại thừa 55 THCS do nhận về theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh.

Còn Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Nguyễn Xuân Hà chia sẻ, vừa rồi sau khi chỉ đạo rà soát thực trạng đội ngũ, nhu cầu tuyển dụng của địa phương trong năm học mới là 130 GV. Nguyên nhân thiếu nhiều như vậy là vì qua 2 lần thi trước đây đều tuyển không đủ chỉ tiêu. Để giải quyết, theo ông Hà tỉnh nên giao cho địa phương chủ động tuyển dụng GV. Tương tự, các huyện miền núi cũng đang ở trong tình thế “thắt lưng buộc bụng” về đội ngũ GV.

Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My cho rằng, việc dạy mỗi ngày 2 buổi ở bậc tiểu học yêu cầu phải đảm bảo 1,5 GV/lớp, nhưng Nam Trà My chỉ có 1,2 GV/lớp nên mới tổ chức dạy cho 60% số HS.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng GD-ĐT Bắc Trà My chia sẻ, đầu năm học tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày của địa phương là 78% nhưng sang học kỳ II buộc phải giảm xuống còn 56% vì nhiều GV nghỉ hưu.

Giải pháp nào?

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành đề xuất nên giao cho các địa phương tuyển dụng GV theo Luật Viên chức để chủ động, vì chờ tỉnh tổ chức thi tuyển không kịp thời, còn trước mắt nên cho phép các địa phương hợp đồng GV.

Đồng quan điểm, ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đề nghị tỉnh cho cơ chế hợp đồng và sau đó tổ chức thi tuyển. Năm qua các trường học ở Tiên Phước cũng hợp đồng GV để bù vào số thầy cô giáo nghỉ hưu. Liên quan đến chủ trương sắp xếp lại trường lớp, ông Huy cho rằng miền núi không thể tổ chức loại hình liên trường do địa bàn quá rộng.

“Thực tế trước đây huyện Tiên Phước có 2 trường học theo hình thức liên trường. Thế nhưng mô hình này không hiệu quả vì học sinh (HS) 2 xã không thể đi học chung tại một trường vì quá xa nên sau đó chúng tôi phải tách ra xây dựng trường riêng” - ông Huy chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, khó khăn nhất hiện nay của địa phương là nhiều GV có 15 - 20 năm công tác không về được đồng bằng. Hiện có 122 hồ sơ xin về và nếu đồng ý thì rõ ràng địa phương không có GV để dạy. Theo ông Phước, cần có cơ chế tuyển dụng riêng đối với sinh viên người dân tộc thiểu số chứ không thể thi tuyển cạnh tranh với thí sinh đồng bằng. Về sắp xếp lại trường lớp, ông Phước nói huyện có 33 trường, có trường có số lượng lớp, HS ít nhưng không thể sáp nhập vì khoảng cách giữa các trường quá xa.

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nói, việc xác định nhu cầu GV dựa theo định mức GV/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, để có cơ sở xác định nhu cầu GV, các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại trường lớp, đội ngũ. Hiện cả tỉnh có 244 xã, phường, thị trấn, xử lý theo hướng mỗi xã nên có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học công lập, còn lại là ngoài công lập để giảm cán bộ quản lý, nhân viên, GV. Đối với miền núi, HS lớp 4, 5 nên đưa về tập trung ở xã để được học tiếng Anh, tin học, giảm GV. Đối với những trường ít HS, nên thành lập trường 2 cấp tiểu học và THCS ở mỗi xã hoặc nhập trường THCS theo hướng liên xã; đồng thời điều chỉnh số HS/lớp vì hiện trung bình cả tỉnh thấp hơn quy định. Để giải quyết bài toán thiếu GV hiện nay, đề nghị tỉnh trước mắt cho phép các huyện thiếu GV được hợp đồng ngắn hạn.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ