Lớp học tình thương của cô Quý

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 09/07/2018 13:59

Về Tam Trà (huyện Núi Thành) vào một buổi trưa giữa đỉnh điểm của những ngày nắng nóng, chúng tôi bắt gặp một lớp học không đông học sinh nhưng đầy ắp tiếng nói cười của trẻ nhỏ hòa cùng tiếng giảng bài của cô giáo rất đỗi trìu mến. Đó là lớp học tình thương của Trường Tiểu học Nguyễn Du tổ chức do cô Nguyễn Thị Quý phụ trách.

Năm học 2017 - 2018, Trường Tiểu học Nguyễn Du có 317 học sinh, trong đó có 122 học sinh là con em của đồng bào dân tộc thiểu số theo học tại 21 lớp của 5 cơ sở trực thuộc. Là xã miền núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 25%, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, việc học tập của con em ít được quan tâm. Cùng với đó là cơ sở vật chất chưa đảm bảo theo yêu cầu, chất lượng giáo dục còn hạn chế. Cô giáo Nguyễn Thị Quý - chủ nhiệm lớp 1A (năm học 2017 - 2018) cho biết, để chuẩn bị tốt cho năm học 2018 - 2019, thời gian qua nhà trường đã điều tra nắm số lượng con em trong độ tuổi vào lớp 1. Qua đó, có 14 học sinh (trong đó có 2 học sinh khuyết tật) là con em của những gia đình thuộc diện nghèo khó không được theo học mẫu giáo. Trước tình hình đó, Ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất mở lớp học tình thương dành riêng cho các em. Trong 2 tháng ngoài việc dạy các môn trong chương trình, cô Quý còn dành phần lớn thời gian để cho các em được vui chơi và sinh hoạt văn nghệ nhằm giúp các em có đủ tâm thế vào lớp 1. Do nguồn xã hội hóa ít nên cô Quý chỉ được bồi dưỡng 30.000 đồng/tiết dạy. Mặc dù tiền thù lao ít nhưng cô rất vui vì đã góp phần cùng nhà trường làm một việc có ích.

Theo Thầy giáo Lê Minh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, trên cơ sở, kế hoạch do nhà trường xây dựng hàng năm về “Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, những năm qua nhà trường đã tăng cường các tiết dạy tiếng Việt và dạy phụ đạo cho các em học sinh yếu, học sinh là con em đồng bào dân tộc ngay từ đầu năm học. Mục đích giúp học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và của cấp học.  Đặc biệt, chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh đồng bào dân tộc Co, học sinh khó khăn, học sinh khuyết tật học hòa nhập.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC