Trường THCS Lê Quý Đôn (Phú Ninh): Ngôi trường chất lượng cao
Trong khi khái niệm “trường chất lượng cao (CLC)” đang còn bàn cãi thì ở huyện Phú Ninh đã tổ chức thí điểm mô hình này ngay từ năm 2012. Đến nay, Trường THCS Lê Quý Đôn không còn gọi là trường “CLC” song thực chất việc tuyển sinh, nội dung, chương trình giảng dạy và chất lượng giáo dục đã phần nào thể hiện “CLC”.
Một buổi sinh hoạt đầu tuần của Trường THCS Lê Quý Đôn. Ảnh: X.PHÚ |
Tuyển học sinh giỏi cả huyện
Năm 2012, UBND huyện Phú Ninh xây dựng đề án và HĐND huyện Phú Ninh ban hành nghị quyết về xây dựng trường THCS CLC giai đoạn 2012-2015, định hướng phát triển đến năm 2020. Sau 2 năm thí điểm tuyển sinh và giảng dạy một số lớp, đến năm học 2015-2016, Trường THCS Lê Quý Đôn chính thức được thành lập. Không còn gọi là trường CLC, song từ việc tuyển sinh, nội dung, chương trình giảng dạy, đến đội ngũ giáo viên và đặc biệt là chất lượng giáo dục của trường đã thể hiện “CLC” so với các trường THCS còn lại trên địa bàn huyện. Khác với các trường THCS tuyển sinh theo địa bàn xã, thị trấn, Trường THCS Lê Quý Đôn tiếp nhận học sinh (HS) trên địa bàn toàn huyện. Và cũng không giống các trường tuyển 100% HS đăng ký vào học, ngôi trường mang tên nhà bác học này tuyển có chọn lọc, thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển và đối tượng là những em HS giỏi.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Vi cho biết, bên cạnh việc đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường còn tổ chức giảng dạy nâng cao một số tiết ở một số môn học. Qua đó, bồi dưỡng thêm kiến thức cho HS, giúp các em có điều kiện thuận lợi phát triển khả năng của mình, tham gia đạt kết quả tốt tại các kỳ thi HS giỏi tỉnh cũng như thi tuyển vào lớp 10 trường THPT chuyên.
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, huyện cũng đã điều động đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi từ các đơn vị trên địa bàn về trường công tác. Liên quan đến chế độ, chính sách, tương tự như loại hình trường THPT chuyên, HS Trường THCS Lê Quý Đôn được hưởng chính sách ưu đãi của huyện, được hỗ trợ chi phí học tập với mức 300.000 đồng/tháng, riêng HS thuộc diện hộ nghèo 1 triệu đồng, cận nghèo 830.000 đồng; hỗ trợ thêm tiền lưu trú 250.000 đồng/tháng đối với các em ở 2 xã xa xôi nhất của huyện là Tam Lãnh và Tam Lộc. Đội ngũ giáo viên cũng được hưởng chế độ hỗ trợ như quy đổi 1 tiết dạy nâng cao bằng 1,5 tiết dạy bình thường, được hỗ trợ thêm 30.000 đồng/tiết. Huyện cũng quan tâm đến chuyện ăn ở bán trú của HS thể hiện qua việc bố trí 3 cấp dưỡng nấu ăn trưa cho 180 em (trong tổng số 226 HS toàn trường) ở lại buổi trưa ngay tại trường.
Sở hữu lực lượng HS giỏi và đội ngũ giáo viên cốt cán của địa phương, vì vậy không ngạc nhiên khi Trường THCS Lê Quý Đôn là trụ cột trong phong trào HS giỏi của huyện Phú Ninh. Nhưng điều đáng nói hơn, nhờ cách làm này đã giúp cho chất lượng giáo dục mũi nhọn của địa phương có bước phát triển vượt bậc, nhiều năm gần đây thường xuyên nằm trong tốp 5 của tỉnh về kết quả thi HS giỏi. Không những vậy, phần lớn HS của trường cũng đã trúng tuyển vào trường THPT chuyên; mới nhất là ở kỳ thi tuyển sinh năm 2017, tỷ lệ vào Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt gần 80%, trong đó 4 em đỗ thủ khoa lớp, 1 em thủ khoa trường.
Cần cân nhắc
Theo ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh, nếu không mạnh dạn chọn con đường khác sẽ không thể nào tạo ra bước đột phá trong công tác nâng cao chất lượng, tạo nguồn đào tạo nhân tài cho địa phương. Tất nhiên, mô hình giáo dục của Trường THCS Lê Quý Đôn lần đầu tiên thực hiện nên không ít bỡ ngỡ, lúng túng và nhiều trăn trở. Rất mừng là khi huyện triển khai thực hiện cũng là thời điểm Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 12 (28.12.2012) đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 trường CLC. “Với việc tuyển chọn HS giỏi cả huyện, đây là những hạt gạo trên sàng của địa phương. Các em lại được học tập với các thầy cô giáo có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết nên kết quả đạt được trong thời gian qua khá tốt và bền vững. Đâu phải dễ dàng mà huyện Phú Ninh còn nhiều khó khăn song liên tục mấy năm nay thường xuyên đứng trong tốp trên của tỉnh tại các kỳ thi HS giỏi. Rõ ràng, tất cả nhờ sự quan tâm của địa phương, công tác bồi dưỡng HS giỏi chất lượng, đặc biệt là việc tổ chức dạy và học của trường đóng vai trò quan trọng cho thành quả chung của huyện” - ông Thiện nói.
Chia sẻ về cách thức tuyển sinh, nội dung, chương trình giảng dạy của Trường THCS Lê Quý Đôn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, về mặt chính danh, đây không phải là trường CLC mà là một trường bình thường như bao trường khác. Hơn nữa, theo quy định của Bộ GD-ĐT cũng không có trường tiểu học, THCS CLC hay chuyên mà chỉ có trường chuyên THPT. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy trường này nhận được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, được địa phương ủng hộ qua nghị quyết HĐND huyện và thực tế chứng minh việc dạy và học có chất lượng.
Rõ ràng, nếu bất hợp lý thì trường đã không còn tồn tại. Về quan điểm, Sở GD-ĐT ủng hộ, song yêu cầu nhà trường phải đảm bảo nội dung, chương trình giảng dạy theo chuẩn quy định về kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, có thể thực hiện chương trình nâng cao nhằm bổ trợ thêm kiến thức nhưng không được gây áp lực, tạo nên tình trạng quá tải đối với HS. Khi được hỏi có nên nhân rộng mô hình này, ông Quốc cho rằng do không có trong văn bản quy định của Bộ GD-ĐT nên cân nhắc. “Sở tiếp tục theo dõi để có hướng chỉ đạo. Vừa rồi Phòng GD-ĐT Phú Ninh có văn bản gửi sở và chúng tôi đã trả lời không thi tuyển đầu vào trong năm học tới mà chỉ có thể khảo sát, đánh giá năng lực, tránh gây áp lực thi cử đối với học trò và các bậc phụ huynh” - ông Quốc nói.
XUÂN PHÚ