Đề xuất bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm: Hợp lý và cần thiết
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần thay đổi theo hướng không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm khi trình bày dự án sửa đổi Luật Giáo dục trước Quốc hội ngày 29.5. Lý do là vì nhu cầu lao động đã thay đổi, sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành còn khá nhiều, gây lãng phí rất lớn.
Nếu dự án sửa đổi Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, sinh viên sư phạm sẽ không được tiếp tục miễn học phí, thay vào đó là chương trình vay tín dụng sư phạm. |
Nhức nhối
Tại Quảng Nam, con số sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hiện nay khá nhức nhối. Năm 2017, tỉnh tổ chức liên tiếp 2 đợt thi tuyển viên chức giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và xét tuyển THPT. Kết quả, đã tuyển dụng được hơn 1.600 người, song vẫn còn thừa đến gần 3.200 người không có cơ hội trở thành giáo viên do nhu cầu đã hết. Điều đó cũng có nghĩa, số cử nhân sư phạm này, hoặc đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, hoặc sẽ làm những công việc không đúng chuyên môn đào tạo, thậm chí trái ngành. Đây là con số khiến nhiều người không khỏi giật mình, cho thấy cuộc khủng hoảng thừa sinh viên sư phạm tốt nghiệp đang diễn ra khá trầm trọng trên địa bàn tỉnh. Vừa tạo ra tâm lý không tốt cho người đã ra trường và cả những sinh viên sư phạm đang ngồi trên ghế giảng đường, tình trạng này vừa gây lãng phí công sức, tiền của của gia đình và xã hội.
Trong khi đó, một báo cáo gần đây của Sở GD-ĐT về quy mô đào tạo và nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp của các địa phương trong tỉnh cho thấy một bất hợp lý vô cùng lớn đang diễn ra. Theo báo cáo này, dự kiến số người học và tốt nghiệp trong 5 năm từ 2016-2020 của 4 cơ sở đào tạo trong tỉnh (gồm Trường Đại học Quảng Nam, Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Trung cấp Văn hóa nghệ thuật - du lịch, Trung cấp Quảng Đông) là hơn 6.700 người, trong khi đó nhu cầu giáo viên chỉ có 590 người (chưa kể số người tốt nghiệp trước 2016 còn thừa và số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trên cả nước). Vì vậy, bên cạnh việc cảnh báo cho các cơ sở đào tạo, Sở GD-ĐT còn tham mưu cho tỉnh kể từ năm 2018 không giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong tỉnh mà chỉ cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh cho người có hộ khẩu ngoài tỉnh.
Hợp lý và cần thiết
Quay trở lại vấn đề miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Cách đây 20 năm, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời đã thu hút lượng lớn người học. Chính sách này đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên trên cả nước và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay thì chính sách này không còn phù hợp, nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “nhu cầu lao động đã thay đổi, sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn khá nhiều, gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực. Bởi vậy, cần thiết phải bỏ quy định miễn học phí, thay vào đó là chính sách vay tín dụng sư phạm”. Cụ thể, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và trang trải việc học. Sau khi ra trường nếu công tác trong ngành đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Chia sẻ quan điểm về đề xuất bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT hoàn toàn ủng hộ và cho rằng cần thiết phải bãi bỏ chính sách này vì nó không còn hợp lý ở thời điểm hiện nay. Song song với đó cần siết chặt việc đào tạo ngành sư phạm, đào tạo phải dựa trên nhu cầu của địa phương, xã hội để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp quá nhiều. Theo ông Quốc, vấn đề là cần nghiên cứu kỹ để có cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của người học như quy định thời gian ra trường có việc làm là bao lâu.
Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam - Huỳnh Trọng Dương, việc bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm là hợp lý nhưng cần có lộ trình chứ không nên thực hiện ngay vì sẽ gây khó khăn cho người học. Hơn nữa, đi kèm với quy định thời gian công tác trong ngành sau khi ra trường để không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm phải có chính sách sử dụng. Tránh tình trạng người học ra trường không có chỗ giảng dạy dù họ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu và đó không phải là lỗi của người học. Cũng theo ông Dương, để khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến thừa, cần siết chặt chỉ tiêu đào tạo sư phạm. Với Trường Đại học Quảng Nam, việc xây dựng chỉ tiêu đào tạo các ngành nói chung, ngành sư phạm nói riêng đều dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh. Những năm qua, trường chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hàng năm do nhu cầu giáo viên của tỉnh ngày càng ít, cũng là chủ trương của nhà trường nhằm phát triển các ngành đào tạo khác theo hướng đa ngành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh Trường Đại học Quảng Nam, còn có nhiều trường trên cả nước đào tạo sư phạm với số lượng lớn và đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho số sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều.
XUÂN PHÚ