Để phụ huynh thích... họp phụ huynh
Với hầu hết phụ huynh (PH) học sinh, những buổi họp PH trong năm học được mặc định là để nói chuyện thu - chi, đóng góp quỹ này, quỹ nọ. Để thay đổi sự mặc định đó, một số trường học, giáo viên chủ nhiệm đã nghĩ cách tổ chức họp PH tế nhị hơn.
Phụ huynh quan tâm đến việc các hoạt động học tập, vui chơi của con em mình ở trường. Ảnh: C.N |
Về vấn đề họp PH trong trường học, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ, sở thường nhắc nhở các trường học tổ chức họp sao cho PH cảm thấy hứng thú, bổ ích và thấy cần quan tâm chứ đừng biến buổi họp trở thành… cơ hội để huy động các khoản đóng góp, tạo thêm gánh nặng và tâm lý ngán ngại cho họ. “Điều PH quan tâm trong buổi họp PH cuối năm là biết được ở trường con mình được học gì; thầy cô, ngôi trường nơi con mình theo học có đáng tin cậy hay không. Những buổi họp PH nhằm tạo tính tương tác, mối quan hệ nhà trường, thầy giáo - phụ huynh, học sinh chứ không phải đi họp PH để đóng các loại phí, quỹ” - ông Quốc nói. Nếu như trong cuộc họp đầu năm học, PH thường “ám ảnh” với các khoản đóng góp, các khoản thu chi thì khi họp cuối năm học, PH lại “ám ảnh” với kết quả học tập của con em mình, nhất là đối với những PH có con chưa thật sự ngoan; hoặc kết quả học tập không tốt; điểm thi, điểm kiểm tra học kỳ thấp...
Những trường hợp đó, nếu giáo viên chủ nhiệm không tế nhị, nêu khuyết điểm và tên của con em họ trước tập thể PH cả lớp, họ sẽ cảm thấy xấu hổ. Đã có trường hợp khi nhận được kết quả học tập sút kém của con em mình, cùng lời phê bình, nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm trong buổi họp, có PH về nhà đem con ra đánh đòn cho hả giận.
Tôi may mắn được dự những cuộc họp PH mà cô giáo chủ nhiệm của con mình nói những điều tâm huyết liên quan đến việc học ở trường và ở nhà; việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường để cùng nhau giáo dục học sinh; còn những học sinh “cá biệt”, cô đều mời từng phụ huynh trao đổi riêng để họ không cảm thấy mặc cảm. Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) cho biết, tại cuộc họp PH cuối năm học, cô phát bảng điểm của từng học sinh cho PH, không phát bảng điểm chung của cả lớp để tránh trường hợp PH so sánh nhau giữa con mình và con người khác.
Với những học sinh vi phạm hoặc có vấn đề về học lực, đạo đức, cô đều trò chuyện, khuyên nhủ riêng; nếu không tiến bộ, cô mời PH trao đổi riêng để bàn cách giáo dục phù hợp. Tương tự, cách làm của thầy giáo dạy Toán Đoàn Ngọc Nghĩa ở Trường THCS Lê Lợi (xã Bình Phú, Thăng Bình) được đồng nghiệp, PH đồng tình, cho rằng, đó là cách làm rất tâm lý và đầy nhân văn. Thầy Nghĩa kể, cuối năm học này, học sinh đề nghị thầy đọc điểm trung bình môn Toán. Ban đầu, thầy Nghĩa định đọc cho cả lớp cùng nghe nhưng rồi lại nghĩ, thầy lại thôi. Bởi điểm của học trò, cho bạn bè biết hay không là quyền của các em, thầy giáo không thể lấy cái quyền làm thầy để lấn áp cái quyền của cá nhân học trò. Và thầy gọi từng học sinh lên xem điểm. Tất nhiên, mỗi học sinh chỉ xem được kết quả mình, vì thầy đã che kết quả của các học sinh khác.
Theo thầy Nghĩa, thường trong các cuộc họp PH cuối năm học, một số giáo viên chủ nhiệm in sẵn bảng điểm và xếp loại hạnh kiểm, học lực của cả lớp để phát cho PH. Trong cuộc họp, giáo viên nhận xét ưu khuyết điểm từng học sinh. Cách làm này theo thầy là rất không nên. Vì các PH sẽ biết kết quả học tập không những của con mình mà còn của cả lớp và sẽ có sự so sánh. Nếu con mình là học sinh khá giỏi không sao nhưng không may phải thi lại hay ở lại lớp thì họ sẽ rất xấu hổ với các phụ huynh khác. Vừa dự buổi họp PH cuối năm, một người bạn của tôi chia sẻ, bạn cảm thấy xúc động khi được xem video về hoạt động học tập, vui chơi của con em mình được lồng vào các bài nhạc dễ thương, hồn nhiên tuổi học trò, mái trường, thầy cô, bạn bè. Từ đó, bạn tôi cảm nhận tình cảm thầy trò trong các gương mặt hồn nhiên, vui tươi, những ánh mắt rạng ngời, thân thiện. Và theo tôi, đó là một cách làm hay.
CHÂU NỮ