Ngày hội "Khi tôi 18"
Có một diễn đàn được các trường THPT tổ chức và duy trì đều đặn, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đó là sân chơi “Khi tôi 18” dành cho học sinh THPT, đặc biệt là học sinh khối 12, có cơ hội tự tin khẳng định sự trưởng thành của mình.
Một tiết mục trong ngày hội “Khi tôi 18” của Trường THPT Sào Nam. Ảnh: T.Q.V |
Tri ân cha mẹ, thầy cô
Đối với học sinh các trường THPT, diễn đàn “Khi tôi 18” đã trở nên thân quen và hữu ích. Đó là hoạt động được ban chấp hành (BCH) đoàn các nhà trường tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như chương trình phát thanh “Khi tôi 18” được duy trì đều đặn vào đầu giờ, giữa giờ ra chơi, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ... là cơ hội để các em học sinh chuẩn bị bước vào tuổi 18 có những hiểu biết nhất định về tri thức xã hội, về cuộc sống xung quanh, về định hướng nghề nghiệp, trau dồi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, nhận biết về giới với sự tự tin của quá trình trưởng thành. Thầy giáo Nguyễn Hà Nhân - Bí thư Đoàn Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên) chia sẻ: “Chương trình “Khi tôi 18” nói hộ những tâm tư tình cảm của học trò cuối cấp và là nơi để các em thể hiện mình, khẳng định sự trưởng thành của bản thân. Ngày hội thực sự có ý nghĩa giáo dục đối với học sinh ở trường THPT hiện nay”.
Mỗi khi hè về, trong cái oi ả của nắng hạ, tiếng ve ran - dàn đồng ca mùa hạ ngân vang, làm xao xuyến bao tâm hồn học trò. Điều đầu tiên trước khi chia tay mái trường, mỗi học sinh lớp 12 nói lời tri ân đối với thầy cô và cha mẹ. Vì thế, trong ngày hội “Khi tôi 18” được các trường tổ chức, chương trình đầu tiên bao giờ cũng là bài phát biểu tri ân của đại diện học sinh lớp 12. Bởi lẽ, qua những tháng ngày thơ bé, được sống trong vòng tay ấm áp của cha mẹ và thầy cô, hôm nay các em đã khôn lớn, đã biết nói lời cảm ơn công lao sinh thành, dưỡng dục, dạy bảo của cha mẹ và thầy cô.Các em coi đó là những bài học quý giá của bản thân để bước chân vào cuộc sống vô cùng rộng mở. Em Nguyễn Thị Huỳnh Nga, học sinh lớp 12/6, Trường THPT Sào Nam tâm sự: “Được Đoàn trường chọn là học sinh đại diện cho các bạn học sinh lớp 12 phát biểu tri ân, em rất xúc động khi nói lên những lời tri ân từ đáy lòng mình với cha mẹ và thầy cô. Em biết, tất cả các bạn học sinh lớp 12 ngồi dưới cũng có chung cảm xúc như vậy”.
Sẻ chia kinh nghiệm
Mỗi mùa thi trôi qua lại ghi dấu trong cuộc đời, để rồi mỗi bước trưởng thành, các em học sinh lại tích lũy cho mình những kinh nghiệm, những trải nghiệm như bài học cuộc đời. Vì thế, ngày hội “Khi tôi 18” còn là dịp để các em học sinh chia sẻ với nhau những kinh nghiệm học tập, ôn thi, làm bài thi và kỹ năng sống. Đó là những điều cần thiết với các em học sinh, nhất là khi mùa thi đang đến gần, sự chia sẻ ấy càng thiết thực. Bạn Võ Hoàng Nguyên Sinh, cựu học sinh Trường THPT Sào Nam, hiện là sinh viên năm ba Trường Đại học Dược Đà Nẵng chia sẻ: “Vượt qua mỗi kỳ thi và đạt được sự thành công, em có thêm nhiều kinh nghiệm thi cử. Vì thế, ngày hội “Khi tôi 18”, em thường về để chia sẻ với các em học sinh lớp 12 những kinh nghiệm ôn thi, làm bài thi dù nhỏ nhưng em thấy rất quan trọng đối với các bạn”.
Bước vào tuổi 18 trẻ trung, mộng mơ và nhiều hoài bão, mỗi em học sinh lớp 12 tự khẳng định sự trưởng thành của mình và biết hành động, biết lắng nghe, biết chia sẻ để vươn tới sự thành công. Vì thế, ngày hội “Khi tôi 18” là dịp để các em khẳng định mình.Với các tiết mục tiểu phẩm, bài hùng biện trong ngày hội sẽ giúp các em đưa ra quan điểm của mình về cuộc sống, kỹ năng sống, phân biệt được điều hay lẽ phải, định hướng nghề nghiệp, nhận thức được những vấn đề nóng như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, tình yêu học trò... Tất cả các tiết mục ấy đều được các em diễn xuất một cách tự tin, sáng tạo và ấn tượng. Em Đoàn Thị Quỳnh Duyên, học sinh lớp 12/8 Trường THPT Sào Nam tâm sự: “Chúng em rất hứng thú với các tiết mục tiểu phẩm trong ngày hội “Khi tôi 18”. Qua đó, chúng em nhận thức được những vấn đề mà bản thân em và các bạn khi bước vào tuổi 18 sẽ gặp phải”.
Theo anh Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, để ngày hội “Khi tôi 18” thực sự là ngày hội của tuổi trẻ học đường, là dịp để học trò tri ân với thầy cô và cha mẹ, đoàn các trường THPT cần duy trì đều đặn hoạt động này, xây dựng kế hoạch và tổ chức ngày hội sao cho phù hợp với đặc thù của từng trường. Lấy học sinh lớp 12 làm trung tâm, các hoạt động trong ngày hội cần được tổ chức phong phú, sinh động và sáng tạo.
TRẦN QUỐC VƯƠNG