Thư viện xanh trong trường học
Song song với hoạt động dạy học, thời gian qua các trường học trên địa bàn huyện Nông Sơn tập trung xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, cũng là cách tạo cho học sinh thói quen ham đọc sách.
Mô hình “Thư viện xanh” ở Nông Sơn giúp học sinh dễ tiếp cận với sách báo. Ảnh: THIÊN THU |
Trong không khí nhộn nhịp của giờ ra chơi ở Trường Tiểu học Phước Ninh, nhiều học sinh tranh thủ thời gian đến “Thư viện xanh” đặt ngay ở sân trường để chọn sách, truyện đọc tại chỗ. Thầy giáo Nguyễn Đình Tùng - Phụ trách Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Ninh cho biết, mô hình “Thư viện xanh” ngay giữa sân trường được thành lập từ tháng 11.2017 nhằm tạo niềm yêu thích đọc sách trong học sinh, góp phần đưa văn hóa đọc vào đời sống. Thư viện được thầy cô giáo thiết kế từ những vật dụng bỏ đi như chai nhựa, ống tre, vỏ xe… rồi buộc thành những tủ sách rất ấn tượng, với những cuốn sách hay, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và được bố trí ghế ngồi xung quanh. Tại đây, vào giờ giải lao, học sinh có thể vui chơi, trò chuyện và cùng nhau đọc sách. Cũng theo thầy Tùng, vào ngày thứ Sáu hằng tuần, dưới sự hướng dẫn của cán bộ thư viện, học sinh các lớp vệ sinh tủ sách theo lịch phân công và thay thế các đầu sách mới để tránh nhàm chán. Em Trương Võ Diễm Quỳnh, học lớp 5B thổ lộ: “Em vô cùng thích thú với mô hình thư viện xanh vì không gian rất thoáng mát, sạch sẽ và không bị gò bó. Ở đây em và các bạn có thể vừa đọc sách vừa trao đổi kiến thức, học tập lẫn nhau”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Quế Lộc, hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thời gian qua nhà trường chú trọng đầu tư mô hình “Thư viện xanh”. Thư viện của trường được xây dựng dưới các tán cây với những tủ sách di động được bố trí hợp lý theo tiêu chí thân thiện, gần gũi với thiên nhiên nhằm giúp học sinh có không gian đọc thoải mái, dễ dàng trao đổi kiến thức, góp phần hình thành thói quen tự học, tự đọc sách. Cô giáo Nguyễn Thị Bớt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quế Lộc cho biết, trong giờ nghỉ giải lao, ngay trên sân trường, chỉ cần với tay là các em có thể chọn được những cuốn sách, truyện ưng ý. Sau khi xem xong, các em tự giác để sách ngay ngắn ở vị trí cũ. Có nhiều học sinh từ chỗ không ham thích đọc sách, nhưng từ khi có “Thư viện xanh” dần dần tự tìm đến sách nhiều hơn. Phong trào đọc sách vì vậy được lan tỏa sâu rộng đến từng học sinh và mang nhiều ý nghĩa thiết thực, đồng thời giáo dục cho các em ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản chung. “Để tăng thêm sự phong phú về nguồn sách, báo cho thư viện, ngoài việc trang bị, mua sắm bổ sung, nhà trường còn kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp từ phụ huynh, học sinh và các đoàn từ thiện. Từ đó làm dồi dào nguồn sách để việc thực hiện “Thư viện xanh” gặp nhiều thuận lợi” - cô Bớt nói. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình “Thư viện xanh” và linh hoạt thay đổi hình thức tuyên truyền đến với học sinh như: giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa; tổ chức hội thi “Kể chuyện theo sách”; học từ sách qua những gương điển hình tiên tiến… nhằm khuyến khích các em say mê việc đọc sách báo, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
THIÊN THU