Phấn đấu đến năm 2020 có 90% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia

T.S 06/04/2018 11:34

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Trong đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 25% trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ; 80% trẻ 3 tuổi, 4 tuổi và 100% trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân và thấp còi trong các cơ sở giáo dục mầm non xuống dưới 10%; 60% số trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 10% đạt chuẩn mức độ 2.

Đối với giáo dục phổ thông, kế hoạch của tỉnh hướng đến mục tiêu 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Đặc biệt, phấn đấu có 90% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, trong đó 40% đạt chuẩn mức độ 2; có 65% trường THCS đạt chuẩn quốc gia; 40% học sinh THCS học 2 buổi/ngày; có 20% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương… Trong công tác khuyến học, UBND tỉnh yêu cầu phát triển tổ chức hội khuyến học ở hầu hết cơ quan, đơn vị, tổ đoàn kết, cơ sở tôn giáo; tăng số hội viên khuyến học lên 17% tổng dân số tỉnh.

Trung bình hàng năm tăng nguồn quỹ huy động cho khuyến học lên 10% và tăng số học sinh, sinh viên được nhận học bổng, khen thưởng và hỗ trợ hơn 7%... Trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện sắp xếp, tổ chức lại hệ thống theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đồng thời nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tăng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu xã hội.

T.S

T.S