Lan tỏa tình yêu di sản
Chiếu phim về di sản; tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người Hội An qua hình thức hỏi - đáp; giới thiệu truyền thuyết về Chùa Cầu, Cù Lao Chàm... là những trải nghiệm đầy thú vị của học sinh các cấp từ mẫu giáo đến THCS ở các trường trên địa bàn TP.Hội An tại Thư viện Thanh Hóa - Hội An.
Các hoạt động tại Thư viện Thanh Hóa - Hội An giúp bồi đắp trong học sinh tình yêu di sản, thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: VĨNH LỘC |
Nhiều bổ ích
“Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày, tháng, năm nào?”; “Chùa Cầu Hội An nằm trên đường nào trong phố cổ?”; “Chùa Cầu còn có tên gọi nào khác?”; “Cù Lao Chàm có bao nhiêu hòn đảo lớn nhỏ ?”… là những câu hỏi khiến nhiều học sinh tham dự chương trình trải nghiệm tại Thư viện Thanh Hóa - Hội An tò mò thích thú. Bạn Ngô Quỳnh Thư, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu chia sẻ, chương trình đã giúp em hiểu hơn về Hội An, đặc biệt là các di tích, di sản phố cổ. “Em đã nhiều lần đến Chùa Cầu nhưng không biết Chùa Cầu có một truyền thuyết gắn với con thủy quái khổng lồ đầu ở Nhật Bản đuôi ở Ấn Độ như vậy. Hay như ý nghĩa của mắt cửa trong các ngôi nhà phố cổ, rồi Cù Lao Chàm có đảo Yến mang tên một loài chim… Em nghĩ đây là những kiến thức rất bổ ích, giúp chúng em hiểu và thêm yêu quý di sản phố cổ, càng tự hào hơn với quê hương Hội An của mình” - Ngô Quỳnh Thư nói.
Trong hơn một năm kể từ khi chương trình trải nghiệm thực tiễn thư viện được triển khai, hoạt động này đã thu hút gần 6.000 lượt học sinh các cấp, bạn đọc trên địa bàn Hội An tham gia. Qua hoạt động, học sinh được xem phim, tìm hiểu lịch sử, con người Hội An và trả lời những câu hỏi để nhớ rõ hơn kiến thức vừa được giới thiệu. Theo cô Trần Thị Mỹ Trung - giáo viên Trường Mầm non Cẩm Phô, bên cạnh đưa học sinh tham quan thực tế phố cổ, việc cho các cháu tham dự hoạt động trải nghiệm ngoại khóa tại thư viện rất ý nghĩa, giúp hình thành trong trẻ tình yêu di sản, để biết rằng Hội An có nhiều di tích, cảnh đẹp cần được trân trọng, gìn giữ bảo tồn… “Dù các cháu còn nhỏ nhưng tôi nghĩ đây là một hoạt động rất hay nhằm tạo thói quen để các cháu đến thư viện sau này, đồng thời khơi gợi trong trẻ những ý niệm ban đầu về di sản văn hóa Hội An, vì điều này thường khiến các cháu nhớ rất lâu” - cô Trung nói.
Thúc đẩy văn hóa đọc
Kể từ khi khánh thành đi vào hoạt động (tháng 7.2015), bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn như trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu các loại ấn phẩm; luân chuyển sách, báo đến cơ sở…, Thư viện Thanh Hóa - Hội An đã trở thành địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nổi bật gắn từng chủ đề, sự kiện cụ thể, từ tìm hiểu về an toàn giao thông, biển đảo đến lịch sử Việt Nam, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc… Cùng với đó, các hoạt động xã hội hóa thư viện như mở dịch vụ cà phê sách; tổ chức hoạt động kỹ năng an toàn cho trẻ em; phối hợp với Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đà Nẵng, Nhà sách Kim Đồng cung cấp sách tham khảo, sách kỹ năng sống, sách giáo khoa các cấp với mức giá ưu đãi… được đông đảo bạn đọc, phụ huynh, học sinh đánh giá cao. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Tú Anh - Trưởng thư viện Thanh Hóa - Hội An, thành công nhất trong hoạt động của thư viện thời gian qua chính là đã tuyên truyền, quảng bá hiệu quả văn hóa đọc đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Bắt đầu từ tháng 4.2017 chương trình “Chúng em cùng nhau khám phá thư viện” đưa học sinh đến thư viện đã được triển khai rộng rãi nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử vùng đất xứ Quảng, nhất là Đô thị cổ Hội An đã được ngành giáo dục Hội An và nhiều trường trên địa bàn thành phố đón nhận. “Ví dụ, khi xem xong phim về phố cổ học sinh sẽ hiểu lịch sử Hội An có những đặc trưng như thế nào, nét đẹp gì; ý thức của học sinh ra sao trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp phố cổ để giới thiệu giá trị di sản đến bạn bè, du khách” - bà Tú Anh diễn giải.
Tùy mỗi cấp học sinh, thư viện sẽ xây dựng từng chủ đề khác nhau. Với học sinh mẫu giáo, thư viện tổ chức trò chơi an toàn giao thông, giới thiệu minh họa về di sản phố cổ giúp các cháu hiểu sơ về Hội An có đặc trưng gì. Với cấp THCS, các hoạt động sẽ có chủ đề gắn với các sự kiện cụ thể trong tháng, trong năm. Đặc biệt, sau khi xem phim học sinh phải trả lời được những câu hỏi liên quan đến nội dung phim. Trung bình mỗi tháng thư viện phối hợp tổ chức một đợt hoạt động, thời gian kéo dài liên tục trong một tuần với sự tham gia của 8 - 10 trường. “Cách làm này cũng sẽ giúp xây dựng tính kế thừa trong ý thức và thói quen của học sinh. Nếu ở cấp tiểu học các em hình thành thói quen đến thư viện và thích đến thư viện, thì chắc chắn rằng khi lên cấp THCS các em sẽ đến với thư viện và khi đã học THPT vẫn tiếp tục yêu thích việc đến thư viện là điều tất nhiên. Với bạn đọc là người cao tuổi, lão thành cách mạng, hưu trí, thư viện tặng thẻ miễn phí để các cụ, các bác thường xuyên đến thư viện nhằm khuyến khích tinh thần, văn hóa đọc cho thế hệ trẻ” - bà Tú Anh cho biết.
VĨNH LỘC