Điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Nâng cao chất lượng, tăng quyền tự chủ

CHÂU NỮ 27/03/2018 13:08

Những điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2018 là đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, bỏ điểm sàn đối với nhóm ngành không đào tạo giáo viên… đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tuyển sinh năm nay.

Một tiết học của sinh viên Trường ĐH Quảng Nam. ảnh: C.N
Một tiết học của sinh viên Trường ĐH Quảng Nam. ảnh: C.N

Trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2018, Bộ GD-ĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, nhưng lại bỏ điểm sàn đối với các ngành còn lại. Thêm nữa, trong bối cảnh nhiều cử nhân sư phạm thất nghiệp, thí sinh không mặn mà với ngành sư phạm; liệu các trường liên quan có khó tuyển sinh và chất lượng sinh viên các ngành khác có tụt giảm hay không?

Nâng chất lượng đầu vào ngành sư phạm

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Quảng Nam) cho biết, Trường ĐH Quảng Nam là một trường đại học đa ngành, đa cấp và đa hệ nên thí sinh có nhiều chọn lựa về ngành học, bậc học. Trong đề án tuyển sinh năm 2018, Trường ĐH Quảng Nam đã có một số thay đổi để phù hợp với quy chế tuyển sinh mới. Chẳng hạn như nhà trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hệ đại học xuống còn 350 chỉ tiêu trong tổng số 1.200 chỉ tiêu đại học của trường và nâng chỉ tiêu các ngành khác. Cô Kim Thoa nhận định, hiện nay, ngành du lịch Quảng Nam đang phát triển mạnh, nhiều dự án du lịch quy mô lớn đang được triển khai, thì nhân lực ngành ngôn ngữ Anh, Việt Nam học hay Địa lý du lịch dự kiến sẽ “hot” không chỉ ở thời điểm hiện tại và cả trong thời gian tới; hoặc ngành công nghệ thông tin hiện nay cũng đang thiếu nhân lực, và đó cũng là điều mà thí sinh cần quan tâm.  

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, siết chặt đầu vào để nâng cao chất lượng sinh viên ngành sư phạm là cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài nhà nước cần có giải pháp căn cơ hơn đối với cử nhân sư phạm như giải quyết việc làm, chế độ đãi ngộ, mức lương... để thí sinh mặn mà với ngành sư phạm. Thầy Nguyễn Vĩnh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) thông tin, ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng là đại học đa ngành, ngoài 11 ngành đào tạo giáo viên, nhà trường còn tuyển sinh 18 ngành khác. Theo thầy Nguyễn Vĩnh San, quy định nâng cao chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các trường sư phạm và sinh viên sư phạm. Từ năm 2018, sinh viên ngành sư phạm sẽ được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nghĩa là chất lượng sinh viên phải đảm bảo; chỉ tiêu tuyển sinh các trường giảm xuống, số lượng sinh viên tốt nghiệp đầu ra ít nên cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ cao hơn. Mặc dù số lượng cử nhân sư phạm tốt nghiệp những năm trước chưa tìm được việc làm khá nhiều nhưng thầy San cho rằng, 4 năm sau, đến năm 2022, khi sinh viên sư phạm từ khóa tuyển sinh chất lượng cao năm 2018 này tốt nghiệp, thì cử nhân sư phạm tốt nghiệp các năm trước có thể đã học thêm chuyên ngành khác để tìm việc làm hoặc đã xin việc làm khác.

Tuy nhiên, theo khảo sát riêng của chúng tôi đối với nhiều học sinh có học lực khá, giỏi ở một số trường THPT trên địa bàn tỉnh (gồm: chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Trần Cao Vân, Hùng Vương, Duy Tân...), hầu hết các em đều cho biết không thi vào ngành sư phạm vì sợ khó xin việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nỗ lực xây dựng “thương hiệu”

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/ môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. So với năm 2017, điểm ưu tiên khu vực năm 2018 sẽ được quy định giảm đi 50%. Cụ thể, khu vực 1 điểm ưu tiên sẽ giảm từ 1,5 xuống 0,75 điểm; khu vực 2 giảm từ 1 điểm xuống 0,5 điểm và khu vực 2 nông thôn là 0,5 xuống 0,25 điểm. Nhiều thí sinh cho rằng quy định này là hợp lý, tạo sự công bằng và không gây ức chế đối với thí sinh.

Năm nay, việc Bộ GD-ĐT quy định bỏ điểm sàn đối với nhóm ngành không đào tạo giáo viên nhằm trao quyền cho các trường tự chủ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ đào tạo giáo viên). Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng sinh viên, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, sau khi có điểm thi, các trường phải công khai điểm sàn xét tuyển trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng. Điều này, theo Bộ GD-ĐT nhằm giúp thí sinh có sự lựa chọn phù hợp và cũng để các trường giữ uy tín, xây dựng “thương hiệu” cho mình. Bộ GD-ĐT cũng quy định, trong đề án tuyển sinh, bên cạnh công khai cơ sở vật chất, số lượng giảng viên, năm nay các trường còn phải công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trong 2 năm gần nhất và mức học phí.

Với quy định bỏ điểm sàn các ngành không đào tạo giáo viên, lãnh đạo các Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Kinh tế Đà Nẵng đều cho rằng, không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh năm nay, vì các trường thành viên của đại học nói chung đã là trường có “thương hiệu”. Thầy Đỗ Hữu Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết, những năm qua, điểm đầu vào của trường đều cao hơn điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT, có ngành tuyển sinh cao hơn điểm sàn từ 5 điểm trở lên nên quy định nêu trên không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh của trường. Trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa năm nay, nhà trường xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là thí sinh phải có điểm xét tuyển từ 16 điểm trở lên. Còn cô Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, với quy định bỏ điểm sàn, để công tác tuyển sinh đạt chất lượng, các trường phải nỗ lực xây dựng “thương hiệu”, nâng cao chất lượng, uy tín trong công tác đào tạo để thu hút thí sinh...

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ