Động lực cho miền núi

Thực hiện chuyên đề: XUÂN PHÚ - ĐĂNG NGUYÊN 22/03/2018 09:17

Các chính sách hỗ trợ cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) triển khai thời gian qua đã tạo nguồn lực quan trọng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng trường, lớp học đảm bảo theo nhu cầu, nâng cao chất lượng giáo dục, giúp ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học ở miền núi.

Học sinh vùng cao Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Học sinh vùng cao Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

MỞ CƠ HỘI ĐẾN TRƯỜNG

Nâng cao chất lượng giáo dục

Khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn một ngày giữa tháng 3, bên cạnh không khí vui chơi thể thao là hình ảnh từng tốp học sinh (HS) chăm sóc vườn rau sạch của trường. Cô giáo Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ngoài việc học tập trên lớp, trong các giờ nghỉ, học sinh của trường còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi giải trí, lao động công ích…, phù hợp với từng lứa tuổi. Nhờ đó, giúp HS có cơ hội được rèn luyện phát triển thể chất, giáo dục kỹ năng sống, cũng như ổn định tâm lý tuổi giao thời.

Là một trong số trường học được đầu tư theo mô hình trường dân tộc nội trú 2 cấp học THCS và THPT, những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo dục ở hệ thống trường dân tộc nội trú miền núi. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi, đến nay nhiều hạng mục công trình trường, lớp học tại trường đã được đầu tư, nâng cấp với diện mạo khá khang trang. Cùng với đó, HS tại trường còn được thụ hưởng và chu cấp chế độ hỗ trợ trực tiếp đối với người học theo tinh thần Thông tư liên tịch 109 của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT, giúp từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như đảm bảo tốt về điều kiện ăn ở và sinh hoạt nội trú, với tổng kinh phí hằng năm hơn 31 tỷ đồng. “Phải công nhận rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi đã có những tác động rất tích cực và hiệu quả trong việc làm thay đổi diện mạo cơ sở vật chất trường, lớp học tại địa bàn các vùng khó khăn, góp phần đẩy mạnh và giúp nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào miền núi. Đây thực sự là chủ trương đúng đắn và kịp thời, khuyến khích HS người DTTS nỗ lực phấn đấu trong học tập, đảm bảo theo yêu cầu chất lượng đào tạo chung” - cô Thứ chia sẻ.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn vui chơi thể thao sau giờ học thể dục. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn vui chơi thể thao sau giờ học thể dục. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tương tự, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Giang, hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về công tác giáo dục miền núi đã tạo nên diện mạo mới, với chất lượng đào tạo hàng năm đạt kết quả khá khả quan. Theo cô Lê Cảnh Phương Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường, không chỉ đảm bảo điều kiện học tập, nuôi dưỡng, chính sách hỗ trợ còn giúp HS miền núi được trang bị đầy đủ từ trang phục, giường chiếu, chăn màn, cho đến chế độ khen thưởng, học bổng khuyến khích học tập. Từ việc hỗ trợ này đã tạo động lực giúp HS chú tâm đến việc học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như giảm dần tình trạng học sinh bỏ học theo từng năm. “Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực sự là “liều thuốc quý” tạo nguồn sinh lực nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh miền núi, vùng đồng bào DTTS” - cô Hạnh nói.

Ngăn dòng bỏ học

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn - ông Lê Văn Hà cho rằng, với sự đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học một cách đồng bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng dạy học con em đồng bào miền núi, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS của Chính phủ còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc kịp thời ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học trong những năm gần đây. Tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ đặc thù này cũng giúp địa phương huy động HS đến trường hàng năm đạt tỷ lệ khá cao, nhất là ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, vùng DTTS như Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Thành,…

Quảng Nam có 9 huyện miền núi với 102 xã, thị trấn; trong đó 79 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Để phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi, những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của trung ương. Cụ thể, về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất, tỉnh đã phân bổ 1,5 tỷ đồng thực hiện chương trình đầu tư (theo Quyết định 1210, ngày 5.9.2012 của Thủ tướng Chính phủ); hơn 22 tỷ đồng kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2012-2015 (đề án kiên cố hóa trường, lớp học). Về chính sách đối với người học, địa phương đã hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi với tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng (theo Quyết định 60, ngày 26.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ); cấp học bổng gần 209 tỷ đồng và 43 tỷ đồng chế độ hỗ trợ khác cho HS các trường phổ thông dân tộc nội trú; 135 tỷ đồng cho HS các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú (theo Nghị định 116, ngày 18.7.2016 của Chính phủ)…

Trên thực tế, những năm qua tại nhiều vùng đồng bào DTTS, điều kiện học tập của HS miền núi rất khó khăn, thiếu thốn. Từ việc thiếu sách giáo khoa mới, dụng cụ học tập, cho đến việc ăn ở bán trú không đảm bảo so với nhu cầu cuộc sống. Chưa kể, khoảng cách đi lại giữa điểm trường với các khu dân cư khá xa và rất hiểm trở, khiến việc đến trường của HS không mấy thuận lợi. Chính vì thế, tình trạng học sinh bỏ học, vắng học liên tục xảy ra, nhất là thời điểm sau tết và đầu năm học mới. “Nhiều năm gần đây, khi chính sách ưu đãi trong giáo dục tại vùng DTTS và miền núi được triển khai, tình trạng học sinh bỏ học tại ở huyện Phước Sơn đã có chiều hướng giảm dần. HS đến trường, ngoài được hỗ trợ gạo ăn, nơi ở nội trú đảm bảo, hàng năm còn được nhận tiền hỗ trợ, học bổng, với cơ sở trường, lớp học khang trang, đáp ứng điều kiện dạy học tại vùng cao” - ông Hà nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông A Viết Sơn đánh giá rất cao hiệu quả mang lại từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương cho phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi trong những năm qua, nhờ đó HS vùng cao có cơ hội đến trường học tập, góp phần nâng cao dân trí, cũng như chất lượng đào tạo nguồn cán bộ miền núi. Để chính sách hỗ trợ tiếp tục phát huy được hiệu quả, ông Sơn mong muốn, bên cạnh duy trì và mở rộng phạm vi đối tượng được thụ hưởng, Trung ương, tỉnh cần kịp thời có những sửa đổi, bổ sung nội dung hỗ trợ chưa phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi cho HS miền núi, vùng đồng bào DTTS theo đúng tinh thần, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

CẦN ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH

Bên cạnh đem lại hiệu quả tích cực trong chiến lược phát triển giáo dục miền núi của tỉnh, nhiều chính sách hỗ trợ của trung ương còn bộc lộ điểm chưa phù hợp, nhất là việc quy định đối tượng học sinh (HS) được thụ hưởng khá cứng nhắc.

Một bữa ăn của học sinh bán trú ở miền núi huyện Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một bữa ăn của học sinh bán trú ở miền núi huyện Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Kiến nghị từ cơ sở

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc Quốc hội mới đây, cô giáo Đinh Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Nam Giang) đặt câu hỏi: “Cũng ở biên giới, vùng đặc biệt khó khăn và cũng nuôi dưỡng con em đồng bào miền núi ăn ở, học tập như các trường dân tộc nội trú khác, nhưng tại sao nhiều trường THPT có HS ở nội trú lại không được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Chính phủ?”. Câu hỏi của cô Thanh cũng là kiến nghị chung của các trường THPT tại vùng cao có HS ở nội trú nhưng chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ cho phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Chính phủ. “Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi hiện nay có đến 170 HS là người đồng bào DTTS ăn ở nội trú tại trường, do điều kiện đi lại khó khăn của miền núi. Nhưng nhiều năm qua, cán bộ quản lý, cấp dưỡng và HS nhà trường vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi cho miền núi. Tôi cho rằng, đây là những thiếu sót, quy định chưa phù hợp, cần được kiến nghị để kịp thời có hướng sửa đổi, bổ sung trong chính sách ưu đãi, tránh để HS DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn bị thiệt thòi” - cô Thanh nói.

Còn theo thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Trà Vân (Nam Trà My), mặc dù không phải là trường bán trú nhưng ở địa phương vẫn có tình trạng HS ở lại trường như mô hình bán trú. Đơn cử, Trường Tiểu học Trà Vân, nhiều năm qua thầy cô phải nuôi dưỡng đến 145 HS đồng bào Xê Đăng tại trường nhưng việc hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước còn quá ít, không đảm bảo nguồn lực để nhà trường tiếp tục duy trì. Do vậy, thầy Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị cần tăng mức hưởng lợi cho HS bán trú, cũng như có cơ chế thu hút giáo viên sau thời gian công tác theo quy định tiếp tục bám trụ dạy học tại các điểm trường khó khăn ở vùng cao. “Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều HS người DTTS đã chọn ở lại trường, kể cả các ngày cuối tuần. Thầy cô, dù điều kiện không mấy đảm bảo, nhưng vì thương học trò nên có khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng, nhằm giúp các em yên tâm học tập. Mấy năm nay, việc cấp gạo ăn cho các em tạm đủ, nhưng kinh phí hỗ trợ bữa ăn còn quá thấp, khiến chất lượng chưa thể cải thiện được” - thầy Sơn bộc bạch.

Giám đốc Sở GD-ĐT - ông Hà Thanh Quốc cũng cho rằng, sở dĩ có việc HS miền núi ở lại trường là vì khoảng cách từ nhà đến điểm trường học khá xa. Xét về điều kiện thực tiễn, ông Quốc ủng hộ việc hình thành mô hình nội trú tại các trường THPT, nhưng cho rằng cần phải hạn chế việc xác lập nhiều cấp học.

Cần thêm cơ chế, chính sách

Theo đánh giá của Giám đốc Sở GD-ĐT - ông Hà Thanh Quốc, giáo dục miền núi của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể nhờ nhiều chương trình đầu tư, chính sách hỗ trợ đối với người học của Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Đơn cử, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 582 (28.4.2017) về phê duyệt danh sách các thôn, xã khó khăn, cả tỉnh có hơn 1.800 HS THPT, tiểu học và THCS không còn được hưởng chế độ theo Nghị định 116 do thuộc xã đã thoát nghèo. Điều đáng lo là, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình vẫn còn rất khó khăn, nếu không tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của HS, thậm chí có nguy cơ bỏ học. Do đó, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã đưa ra giải pháp khắc phục là trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ gạo cho HS bán trú. Cạnh đó, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương để tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với việc học tập của con em mình. Tuy nhiên, giải pháp vừa qua chỉ là “chữa cháy”, nên tại buổi làm việc với đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc Quốc hội, tỉnh kiến nghị Trung ương thống nhất chủ trương để UBND tỉnh Quảng Nam có cơ chế riêng trong việc hỗ trợ HS DTTS không được hưởng chế độ theo Nghị định 116 trong năm học 2017-2018 và các năm tiếp theo nhằm tạo điều kiện cho các em đi học.

Tại nhiều vùng miền núi, điều kiện cơ sở học tập của học sinh vẫn còn khá tạm bợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Tại nhiều vùng miền núi, điều kiện cơ sở học tập của học sinh vẫn còn khá tạm bợ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đối với loại hình trường THPT có tổ chức ăn ở nội trú, ông Quốc khẳng định, thực tiễn việc tổ chức nội trú góp phần rất hiệu quả trong công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục và cần tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, bất cập là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và HS ở loại hình trường này chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước; do đó bên cạnh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trường, lớp học, Trung ương cũng cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ thích hợp cho giáo viên và HS. “Ở những điểm trường này, công việc của cán bộ quản lý, nhân viên cấp dưỡng hoàn toàn giống với các trường dân tộc nội trú. Vì thế, việc hỗ trợ chế độ cho các đối tượng này hoàn toàn hợp lý” - ông Quốc nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, Quảng Nam luôn dành sự quan tâm hỗ trợ cho miền núi phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục nói riêng và đạt được những kết quả khả quan về mạng lưới trường lớp, số lượng HS ra lớp, chất lượng giáo dục. Nhiều HS người DTTS học khá tốt, thi đỗ vào các trường đại học; dù vậy, do điều  kiện đặc thù, giáo dục miền núi, vùng DTTS của tỉnh vẫn còn một số khó khăn cần tiếp tục nhận được sự đầu tư của trung ương. Về lớp ghép, ông Trần Đình Tùng cho rằng đây là đặc thù của giáo dục miền núi Quảng Nam và sẽ tồn tại lâu dài bởi mỗi nóc chỉ có 1 - 2 HS cùng độ tuổi thì không thể bố trí giáo viên dạy được, còn tập trung về điểm trường xã lại không khả thi vì đường sá xa xôi.

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc Quốc hội kiểm tra phòng học vi tính của học sinh tại một điểm trường miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc Quốc hội kiểm tra phòng học vi tính của học sinh tại một điểm trường miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

CƠ CHẾ RIÊNG CỦA QUẢNG NAM

Với cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, Quảng Nam đã tạo động lực cho giáo dục miền núi của tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng”. (Ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội)

Thời gian qua, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của trung ương, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng của địa phương nhằm tạo điều kiện phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, có thể kể đến Quyết định 15 (ngày 23.7.2010) của UBND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đối với học sinh (HS) thuộc khu vực II Chương trình 135 giai đoạn II, học bổng với mức 100.000 đồng/tháng, học phẩm 40.000 đồng/năm học. Theo đó, giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã hỗ trợ tổng cộng hơn 69 tỷ đồng với hơn 78.000 lượt HS được thụ hưởng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có cơ chế hỗ trợ cho HS miền núi thông qua việc phát triển đa dạng loại hình trường. Song song với loại hình chuyên biệt theo quy định là trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện (có 3 trường), trường phổ thông dân tộc bán trú (53 trường), Quảng Nam còn có trường phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - 3 và trường THPT có HS nội trú. Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - 3 là loại hình trường có 2 cấp học gồm THCS và THPT, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện từ năm 2013 (hiện có 3 trường là Nam Trà My, Phước Sơn và Nước Oa - Bắc Trà My). Trong khi đó, do HS phần lớn là người DTTS, điều kiện đi lại khó khăn nên tỉnh đã đầu tư xây dựng khu nhà ở để tổ chức cho HS ăn ở nội trú tại 9 trường THPT của các huyện miền núi cao.

Mới đây, sau khi đi giám sát tại một số huyện, trường học ở khu vực miền núi của tỉnh, ông Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhìn nhận, qua thực tế giám sát cho thấy, Quảng Nam đã có sự quan tâm, chăm lo đầu tư cho giáo dục miền núi, vùng DTTS. Đáng chú ý, bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã có nhiều chủ trương, đề án, tạo cơ chế và chính sách riêng của địa phương để phát triển giáo dục miền núi, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS. “Với cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, Quảng Nam đã tạo động lực cho giáo dục miền núi của tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng. Chẳng hạn, hiện nay có trường phổ thông dân tộc nội trú 2 cấp tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn. Mô hình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho HS theo học, góp phần tạo nguồn cán bộ người DTTS cho miền núi” - ông Hà Ngọc Chiến nói.

Thực hiện chuyên đề: XUÂN PHÚ - ĐĂNG NGUYÊN

Thực hiện chuyên đề: XUÂN PHÚ - ĐĂNG NGUYÊN