Kết quả tốt nhờ cách làm mới
Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc trong cuộc trao đổi với PV. Báo Quảng Nam về thành tích ấn tượng của đoàn học sinh (HS) Quảng Nam tại kỳ thi HS giỏi quốc gia bậc THPT năm 2018 vừa qua.
Tuyên dương, khen thưởng HS đạt 28 điểm thi tuyển sinh đại học năm 2017. |
Theo ông Hà Thanh Quốc, đây là năm thứ 3 liên tiếp, các em HS đã đem lại niềm tự hào cho tỉnh khi xếp ở nhóm đầu của khu vực. Đặc biệt, kết quả kỳ thi vừa qua có sự tăng trưởng lớn về chất so với trước đây với việc tăng số lượng giải nhì và giảm số giải khuyến khích. Cụ thể, năm 2016 giành được 28 giải, trong đó có 2 giải nhì; đến năm 2017 giành 31 giải trong đó có 7 giải nhì. Còn năm 2018 chúng ta cũng đạt 31 giải song có đến 11 giải nhì, vươn lên xếp vị thứ nhất các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Kết quả khả quan
Ông Hà Thanh Quốc. Ảnh: X.P |
- Theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi, cơ bản nhất giúp ngành gặt hái được thành công vừa qua? Có phải đó là sự điều chỉnh trong cách tuyển chọn, bồi dưỡng HS giỏi?
- Ông Hà Thanh Quốc: Trước hết, phải khẳng định truyền thống học giỏi của người Quảng, những thành tích của các thế hệ anh chị đi trước là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Thứ hai, sự quan tâm, tâm huyết của ngành, từ Ban Giám đốc Sở GD-ĐT đến các trường, nỗ lực thầy cô, sự chia sẻ, đồng hành của các bậc phụ huynh chăm lo cho con em. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc điều chỉnh trong tuyển chọn HS giỏi đã góp phần quyết định cho những thành công vừa qua.
Trong vài năm gần đây, song hành với tập trung chỉ đạo đổi mới dạy và học, Sở GD-ĐT bắt đầu có sự thay đổi trong thực hiện tổ chức thi tuyển để chọn đội tuyển HS giỏi. Có thể nói, cách lựa chọn khoa học, bài bản đã giúp chất lượng tốt hơn. Qua đó, tạo động lực thi đua giữa 2 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông cũng như giữa HS và giáo viên. Kết quả này cũng tạo hiệu ứng mạnh trong việc giúp cho các trường chuyên thu hút các em HS giỏi lớp 9 của các địa phương trên địa bàn tỉnh thi tuyển vào trường. Vai trò của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi tỉnh cũng là một yếu tố quyết định đến chất lượng. Nhiều thầy cô rất tâm huyết đầu tư cho bài giảng và nhiều năm liền khá thành công.
- Dẫn đầu khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên song chất lượng vẫn thấp so với các tỉnh Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh, ngay cả Đắk Lắk và Đắk Nông vẫn có giải nhất. Chúng ta cũng chưa có giải nhất như cách đây 3 năm khi giành giải nhất môn Toán. Vậy ngành có giải pháp gì để những năm tới tiếp tục gặt hái và nâng cao chất lượng thành tích hơn nữa?
- Ông Hà Thanh Quốc: Rõ ràng thành tích vừa qua là kết quả đầy khích lệ cho toàn ngành trong công tác nâng cao chất lượng, bồi dưỡng chuyên môn. Nhưng chắc chắn rằng không tự mãn, cần đánh giá rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hơn nữa. Làm sao đó để 2 trường chuyên thu hút nhiều HS giỏi của các huyện đăng ký thi tuyển vào học. Hiện nay, dù tỉnh đầu tư khá lớn cho 2 trường THPT chuyên nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng một số HS giỏi đi học tại các trường chuyên địa phương khác. Thời gian tới, ngành cũng sẽ có kế hoạch xây dựng đội ngũ, kể cả việc thu hút sinh viên trường chuyên học sư phạm về lại trường để giảng dạy. Cạnh đó, tiếp tục tham mưu cho tỉnh có chính sách khen thưởng, động viên cho HS giỏi.
Tiếp tục đổi mới
Trong số 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Nam dẫn đầu về số lượng giải HS giỏi quốc gia năm 2018 với 31 giải (11 nhì, 4 ba, 16 khuyến khích). Các tỉnh xếp tiếp theo là Đắk Lắk 30 giải (1 nhất, 10 nhì, 8 ba, 11 khuyến khích); Lâm Đồng 28 giải (1 nhất, 2 nhì, 7 ba, 10 khuyến khích); Bình Định 21 giải (4 nhì, 7 ba, 10 khuyến khích); Kon Tum 15 giải (3 nhì, 1 ba, 11 khuyến khích); Khánh Hòa 20 giải (2 nhì, 9 ba, 9 khuyến khích); Quảng Ngãi 15 giải (1 nhì, 8 ba, 6 khuyến khích)… |
- Tiếp tục thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng, vừa qua Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra học kỳ I dành cho HS lớp 9 và lớp 6 bên cạnh các lớp THPT như các năm trước. Ông có thể nói rõ hơn?
- Ông Hà Thanh Quốc: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện phải bắt đầu từ chất lượng giáo dục. Vì vậy năm học này, Sở GD-ĐT tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan đến Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, các nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD-ĐT. Năm nay, trong số nhiều đổi mới thì thay đổi đáng chú ý là sở chỉ đạo sâu sát chuyên môn hơn, mà cụ thể là tập huấn những nội dung liên quan đến công tác giảng dạy, đánh giá HS đến tận các giáo viên THPT chứ không dừng lại tổ trưởng như trước đây. Nhiều thầy cô giáo thừa nhận, điều này khá bổ ích, giúp bản thân bổ sung nhiều kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng. Cạnh đó, lần đầu tiên sở thực hiện công tác kiểm tra đánh giá giáo viên về chuẩn bị lên lớp, nội dung bài giảng không báo trước ở tất cả cấp học để có đánh giá chính xác năng lực đội ngũ và tinh thần làm việc.
Riêng đối với kiểm tra học kỳ, các năm trước Sở GD-ĐT đảm nhận việc ra đề cho khối lớp 12 và 9 các môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Tuy nhiên, năm nay sở mở rộng hơn khi ra đề kiểm tra chung toàn tỉnh 9 môn đối với cấp THPT, 8 môn với khối lớp 9 và 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh với HS khối lớp 6. Mục tiêu là đánh giá, nắm rõ chất lượng giáo dục ở các bậc học trên địa bàn toàn tỉnh, tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp” hay bậc học trên đổ lỗi cho bậc học dưới về chất lượng giáo dục. Việc sở ra đề kiểm tra học kỳ lớp 6 cũng như tổ chức thi tuyển sinh vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được các huyện ủng hộ, tác động rất lớn đến công tác dạy và học của các địa phương.
- Năm 2017 lần đầu tiên đẩy mạnh phân luồng sau lớp 9 khi giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Ông đánh giá như thế nào kết quả phân luồng năm 2017 và định hướng năm 2018?
- Ông Hà Thanh Quốc: Năm học 2017 - 2018, tỉnh thực hiện tuyển sinh lớp 10 công lập toàn tỉnh với chỉ tiêu 90% so với số HS lớp 9 nhằm đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Kết quả, hiện số học viên học chương trình giáo dục thường xuyên kết hợp với học nghề là 729 người. Điều này chứng tỏ công tác hướng nghiệp và phân luồng HS trong giáo dục phổ thông của tỉnh bước đầu có chuyển biến tích cực. Từ kết quả đó và trên cơ sở định hướng tuyển sinh lớp 10 theo Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 20% HS sau khi tốt nghiệp THCS học nghề), năm 2018 dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 85%.
- Xin cám ơn ông!
XUÂN PHÚ (thực hiện)